18 thg 4, 2013

Đằng sau hành động Trung Quốc đề nghị COC


Việc Trung Quốc đột nhiên đưa ra đề nghị đàm phán COC với ASEAN sau thời gian gây hấn vừa qua cũng làm cho các quốc gia liên quan thực sự cảm thấy không thể hiểu nổi.
Ngày 11/4, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tuyên bố trong Hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN tại Brunei rằng Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ ngồi lại với nhau nhằm bàn thảo về việc xây dựng nên Bộ Quy tắc ứng xử về biển Đông (COC). Điều đặc biệt trong tuyên bố này đó chính là cuộc gặp được đề xuất bởi chính Trung Quốc, nước trong thời gian gần đây tăng cường thực hiện các hành vi gây hấn tại các khu vực tranh chấp ở biển Đông.
Sự chủ động đề xuất tiến hành đàm phán COC của Bắc Kinh đã gây một chút ngạc nhiên  cho nhiều người vì thời gian gần đây Trung Quốc vẫn liên tục thực thi các hành động xác quyết chủ quyền tại biển Đông. Đó chủ yếu là các hành động đơn phương dựa trên sức mạnh, phủ nhậnlợi ích và quyền lợi của các nước khác ở khu vực tranh chấp. Những tưởng Bắc Kinh sẽ tiếp tục cứng rắn trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, thì họ lại đề xuất cho việc bàn thảo về COC, cơ chế mà Trung Quốc luôn nhiều lần trì hoãn đàm phán.
COC về nguyên tắc sẽ là một thiết chế có tính ràng buộc cao hơn nhiều so với Tuyên bố các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC), cụ thể hơn thì COC sẽ trở thành một bộ quy tắc ứng xử với mục đích quản lý tranh chấp, không để cho tranh chấp diễn tiến thành những xung đột không đáng có. Sự chủ động của Trung Quốc trong trường hợp này có thể sẽ tạo ra nhiều sự lúng túng, nhưng chắc chắn sẽ nhận được sự hoan nghênh lớn từ các nước ASEAN. Cho đến nay, việc COC bị trì hoãn đã khiến cho tình hình ở biển Đông trở nên bất định và khó có thể dự đoán. Trung Quốc vẫn đang làm những gì mà họ cho là đúng, trong khi các nước khác như Việt Nam hay Philippines vẫn phải vất vả để bảo vệ chủ quyền của chính mình. COC được ký kết sẽ mang lại không ít lợi ích lâu dài, và lợi ích gần nhất chính là giảm căng thẳng tại biển Đông, góp phần biến khu vực quan trọng này thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Nhưng việc Trung Quốc đột nhiên đưa ra đề nghị đàm phán COC với ASEAN sau thời gian gây hấn vừa qua cũng làm cho các quốc gia liên quan thực sự cảm thấy không thể hiểu nổi. Tuy nhiên, có một số dự đoán có thể đưa ra cho tình hình này.
Thứ nhất, dường như sau thời gian gây hấn với các phép thử và bị phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã nhận ra rằng họ không thể tiếp tục duy trì chính sách "diều hâu" nếu vẫn muốn tiếp tục phát triển mà không gặp phải sức ép hay sự chỉ trích.
Trung Quốc hiện đang bị phương Tây chỉ trích và gây sức ép về chính sách tiền tệ của mình với việc giữ giá nhân dân tệ thấp, trong khi đó, chính sách biển Đông của Trung Quốc thời gian qua lại càng làm hình ảnh của nước này xấu đi trong mắt các nước láng giềng và các quốc gia khác.
Vừa xấu đi trong quan hệ kinh tế với các đối tác, lại vừa xấu đi trong quan hệ chính trị với các nước láng giềng chắc chắn không phải là một biểu hiện khả quan cho sự "trỗi dậy hòa bình", và tuyên bố "chung sống hòa bình" càng lộ rõ là một sự dối trá. Vì vậy, việc đưa ra đề nghị đàm phán COC có thể là một sự chuyển biến tích cực(!), thể hiện mong muốn hòa giải của Trung Quốc, là biểu hiện của sự tự giới hạn sức mạnh và sẵn sàng tham gia thể chế, từ đó giảm sự đe dọa cho các nước láng giềng và cải thiện hình ảnh của Trung Quốc(?).
Thứ hai, có thể Trung Quốc lo ngại về vụ kiện của Philippines đối với nước này tại Tòa án quốc tế khi Philippines đang tỏ ra khá tự tin. Nếu Philippines thành công trong vụ kiện, Trung Quốc sẽ phải chịu những phán quyết pháp lý bắt buộc, thậm chí là phải từ bỏ tham vọng "đường lưỡi bò". Nhưng nguy hiểm hơn là vụ kiện này sẽ tạo ra các tiền lệ pháp lý để các quốc gia có tranh chấp biển với Trung Quốc tận dụng và tiếp tục kiện Trung Quốc.
Với cơ sở pháp lý yếu kém chủ yếu dựa vào sự xuyên tạc thì khả năng Trung Quốc có thể bảo vệ mình trước các vụ kiện là không cao, lúc đó các lợi ích trên biển của Trung Quốc cũng sẽ không còn. So sánh với viễn cảnh đó thì một COC, nếu có ràng buộc, cũng là một lựa chọn thông minh hơn vì nó vẫn đảm bảo được những lợi ích lâu dài của Trung Quốc. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng COC, Trung Quốc cũng có thể hi vọng Philippines sẽ rút lại vụ kiện của mình.
Thứ ba, trước sức ép của cộng đồng quốc tế và vụ kiện Philippines, Trung Quốc thấy rằng họ không hề muốn bị động hoặc bị thúc ép, do đó, để tránh các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ đưa họ vào luật chơi mà họ không mong muốn, thì Trung Quốc sẽ chủ động thiết lập luật chơi của mình. Trong nhiệm kì trước, chính quyền tổng thống Obama đã thể hiện quan điểm sẽ nỗ lực thông qua UNCLOS, vì vậy trong nhiệm kì này, việc thông qua UNCLOS rất có thể xảy ra nếu Trung Quốc tiếp tục hành động bất chấp luật pháp quốc tế.
Với tư tưởng là người lãnh đạo và bảo vệ trật tự thế giới, Mỹ sẽ dựa vào luật pháp quốc tế để tạo tính chính danh, can thiệp vào vấn đề biển Đông và thúc đẩy xây dựng một COC mang tính ràng buộc pháp lý lớn hơn với Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc sẽ đồng thời bị kiềm chế bởi cả sức mạnh quân sự Mỹ, lẫn những ràng buộc pháp lý do Mỹ tạo ra.
Trong khi đó, việc cùng hoạch định về xây dựng COC một cách chủ động sẽ giúp Trung Quốc đưa ra những quy định có lợi cho họ, từ đó đảm bảo lợi ích lâu dài của Trung Quốc ở biển Đông, đồng thời giúp loại bỏ cái cớ để Mỹ có thể tham gia vào khu vực.
Thứ tư, từ bài học của quá trình đàm phán COC với Trung Quốc giai đoạn 1999 - 2002 đã cho thấy rằng, trước sức ép ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế và sự khẳng định sẽ hỗ trợ xây dựng COC từ phía Mỹ, rất có thể Trung Quốc đề nghị đàm phán COC để đánh lạc hướng dư luận thế giới mà không hề có thiện chí hợp tác xây dụng COC.
Trong quá khứ, Trung Quốc đồng ý đàm phán COC với ASEAN cũng chỉ vì nhận thấy sức ép từ dư luận quốc tế và nguy cơ chiến tranh tăng cao trong khu vực. Nhưng quá trình đàm phán đã thất bại do bất đồng giữa các bên và thay vì COC, hội nghị chỉ dừng lại ở một DOC lỏng lẻo, không có giá trị pháp lý.
Do đó, trong sự việc lần này, có thể lo ngại rằng Trung Quốc chỉ đưa ra đề nghị để loại bỏ sức ép từ cộng đồng quốc tế, cũng như sự can thiệp của Mỹ trong quá trình xây dựng COC. Từ đó, Trung Quốc có thể gây sức ép lên các nước ASEAN trong quá trình đàm phán, và rất có thể, COC lần này sẽ lại đi vào viết xe đổ của COC giai đoạn 1999 - 2002 nếu các nước ASEAN không có sự chuẩn bị kĩ càng và các hỗ trợ cần thiết.
Một COC phù hợp, cần phải hội đủ nhiều yếu tố căn bản mà quan trọng nhất chính là tính ràng buộc mà tất cả các nước liên quan tới tranh chấp, đặc biệt là Trung Quốc, phải ủng hộ và tuân theo. Cơ chế như vậy cần thiết được thiết lập dựa trên tính chất hợp tác và đa phương giữa các bên với nhau. Động thái chủ động đưa COC ra thảo luận của Bắc Kinh, như đã phân tích ở trên, sẽ không có tác động gì lớn tới chủ quyền thực địa và thực trạng hiện tại ở biển Đông. Hành động này chỉ như một cách để Trung Quốc xoa dịu tình hình hiện tại, giảm căng thẳng để đối phó với những chuyện cấp bách hơn (Triều Tiên) vì xét cho cùng, COC vẫn chỉ là một cơ chế quản lý chứ không phải là giải quyết tranh chấp.
Tác giả: VŨ THÀNH CÔNG-NGUYỄN THẾ PHƯƠNG