16 thg 1, 2013

ĐẢM BẢO QUYỀN CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM


Trong thời gian qua, lợi dụng các diễn đàn quốc tế, các đối tượng phản động người DTTS như Ksokor, Quảng Đại Đủ, Thành Thanh Dãi… liên tiếp vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp, phân biệt đối xử với người DTTS, kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đòi quyền tự quyết, xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ta về quyền của các DTTS.

Sự thật đã rõ, số đối tượng này là những kẻ bán nước, hại dân, khoác áo “nghĩa hiệp” núp dưới chiêu bài “bảo vệ quyền của các DTTS” mà chẳng hiểu một chút nào về thực tế đang diễn ra. Những luận điệu đó rất nguy hiểm, cần phải cảnh giác nếu không nó sẽ gieo rắc những mầm mống độc hại, cùng với những khó khăn trước mắt về kinh tế sẽ làm cho đất nước ta càng thêm khó khăn.
Trong thời gian qua, các chủ trương, chính sách đối với đồng bào DTTS đã phát huy hiệu quả đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Hệ thống chính trị được giữ vững, ý thức pháp luật, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao là cơ sở vững chắc để đập tan mọi âm mưu ý đồ của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn Biến Hòa Bình” mà đối tượng hướng đến là đồng bào các DTTS.

Các dân tộc Việt Nam sinh sống đan xen nhau trên mọi vùng miền của đất nước; các dân tộc thiểu số cư trú tập trung chủ yếu ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa – là nơi điều kiện phát triển còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông còn thấp kém, tỷ lệ nghèo cận nghèo và tái nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước.
Hệ thống chính sách dân tộc của Nhà nước ta là nhất quán và theo nguyên tắc các dân tộc “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển” với phương châm “nơi nào khó khăn hơn được quan tâm, ưu tiên hơn” trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Về pháp luật, chính sách dân tộc được quy định thể chế trong Hiến pháp năm 1992 (Điều 5, 36, 39, 133) và trong hệ thống pháp luật: Bộ luật Dân sự, Luật bầu cử Quốc hội, Luật giáo dục, Luật chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Từ các quy định của luật pháp, chính sách dân tộc được cụ thể hóa trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và các chương trình mục tiêu, dự án đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số với cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, ưu tiên, ưu đãi đối với từng vùng, từng đối tượng cụ thể.

Quyền bình đẳng của các dân tộc ở Việt Nam về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội… trước hết là quyền bình đẳng về chính trị, chống mọi biểu chia rẽ, kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, tự ty dân tộc… điều này được thể hiện cụ thể trong các chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào DTTS:
Để có cơ sở hoạch định các chính sách dân tộc theo địa bàn, đối tượng và lĩnh vực cụ thể như đã nêu ở trên, Đảng, Nhà nước đã phân định vùng DTTS theo điều kiện địa lý: Vùng miền núi, vùng có miền núi và vùng đồng bằng có dân tộc sinh sống. tiếp theo đó phân chia theo điều kiện và trình độ phát triển kinh tế xã hội: khu vực I, bước đầu phát triển; khu vực II, tạm ổn định; khu vực III, đặc biệt khó khăn.
Từ việc xác định các địa bàn như vậy, Chính phủ quyết định thực hiện các chương trình mục tiêu bằng hàng loạt các dự án cụ thể, tập trung sự quan tâm, ưu tiên vào khu vực đặc biệt khó khăn.
Các chương trình mục tiêu được triển khai thực hiện theo những yêu cầu cụ thể phù hợp với đặc điểm, đặc thù của từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể:
+ Chương trình xóa đói, giảm nghèo thực hiện trên các vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm thúc đẩy nhanh hơn, bình quan hàng năm giảm 4-5% tỷ lệ hộ nghèo (tỷ lệ chung của cả nước là 2%) để khắc phục sự dãn ra khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong xã hội. Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục triển khai chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở trên 60 huyện nghèo đặc biệt khó khăn (có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%) vùng dân tộc thiểu số.
+ Chương trình xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn trước hết là đường giao thông, hệ thống thủy lợi, thủy nông… đồng thời, với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa sản xuất nông lâm nghiệp với các ngành nghề, dịch vụ khác có hiệu quả hơn.
+ Các dự án bảo tồn giá trị các giá trị di sản văn hóa, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc (bao gồm cả tiếng nói, chữ viết, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể)
+ Các dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển phát triển đối với một số dân tộc thiểu số rất ít người. Đã và đang thực hiện các dự án bảo tồn và phát triển đối với 05 dân tộc có số dân dưới 1.000 người (Si La, Pu Péo, Ơ Đu, Rơ Măm, Brâu). Tới đây sẽ triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ tương tự đối với các dân tộc thiểu số dưới 1 vạn người.
+ Các chương trình, dự án đặt ra và đưa vào thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau: Phát triển thương mại, du lịch ở miền núi, vùng cao, vùng đồng bào DTTS; bằng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tập trung ở huyện, tỉnh đến các chính sách đào tạo đạo học và các trường chuyên nghiệp; xây dựng hệ thống mạng lưới y tế cơ sở, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân ở vùng DTTS.
Để phát huy hiệu quả nguồn lực của người DTTS, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chính sách cụ thể và phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, đối tượng khác nhau. Ví dụ: chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, thực hiện từ năm 2004 tại 53 tỉnh, sau 4 năm đã giải quyết nhà ở cho 373.400 hộ, 1.552 ha đất ở cho 71.713 hộ và 27.763 ha đất sản xuất cho 83.563 hộ, 4.663 công trình nước tập trung, gần 200.000 hộ đã có nước sinh hoạt.
Để nâng cao hiệu quả khi hoạch định chính sách cho các đối tượng này, Nhà nước ta đã:
- Nâng cao được nhận thức, kiến thức hiểu biết về pháp luật, về chính sách đối với DTTS, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin về phát triển ngày càng thuận lợi, dễ dàng hơn bằng các chương trình truyền thông phù hợp trình độ và ngôn ngữ DTTS.
- Các dự án thực hiện ở vùng DTTS đã thu hút được sự tham gia trực tiếp của cộng đồng cơ sở, của mỗi người dân cùng thực hiện, ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng công trình, người dân tham gia đóng góp bằng lao động và các vật liệu sẵn có tại địa phương, đặc biệt là sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng các DTTS. Khuyến khích xã hội hóa các nguồn nhân lực và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tổ chức NGOs… hỗ trợ giúp đỡ vùng đặc biệt khó khăn.
-  Các dự án đầu tư hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với các đối tượng này cần được xác định là cho cái cần câu, không phải là cho con cá như chúng ta vẫn thường nói. Nhưng như thế chưa đủ, cho cái cần câu rồi phải hướng dẫn họ cách câu cá, câu được cá không chỉ đủ ăn, mà còn có cá để bán; do đó phải hướng dẫn tiếp cách bán cá, như vậy mới đạt được hiệu quả cuối cùng của sự tham gia của họ vào phát triển đời sống kinh tế.
- Việt Nam hiện nay với cộng đồng 54 thành phần dân tộc. Không có dân tộc nào gọi là “Dân tộc đặc biệt khó khăn” mà chỉ có vùng, địa bàn “Đặc biệt khó khăn”. Đó là nơi cơ sở hạ tầng còn rất thấp kém, điều kiện tiếp cận thông tin, tiến bộ khoa học công nghệ còn rất hạn chế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân sinh sống ở đây còn rất khó khăn, mặt bằng dân trí, thu nhập thấp – nghèo nàn, lạc hậu là do sinh sống ở những nơi mà điều kiện địa lý tự nhiên còn đặc biệt khó khăn nói trên, chứ không phải vì họ là dân tộc cụ thể nào đó.
Về cơ bản và chủ yếu chính sách dân tộc của Nhà nước ta là tập trung đầu tư, hỗ trợ đối với các vùng địa bàn đặc biệt khó khăn, với phương châm “nơi nào nghèo khó hơn cần được quan tâm ưu tiên hơn” theo nguyên tắc “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cúng phát triển” giữa các dân tộc trong cộng đồng đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Với các chính sách như trên, chúng ta có thể vững tin đồng bào DTTS sẽ là bộ phận quan trọng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững; hoàn thành sự nghiệp CNH, HĐH vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”; phản bác, vô hiệu hóa mọi luận điệu và thủ đoạn kích động của các thế lực thù địch và phần tử xấu.
                                                                    Hoa đất

Không có nhận xét nào: