18 thg 1, 2013

CẦN CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG GÓP Ý SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP ĐỂ XUYÊN TẠC ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP 1992


Hiến pháp là đạo luật cơ bản và quan trọng nhất của Nhà nước. Trải qua các thời kỳ, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Đến nay, sau hơn mười năm, trước sự thay đổi của tình hình trong nước, thế giới và khu vực, đồng thời để Hiến pháp bám sát hơn với bối cảnh lịch sử của đất nước trong tình hình mới việc Quốc hội thông qua sửa đổi Hiến pháp 1992 là rất cần thiết và phù hợp.
Ngày 23/11/2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là dịp quan trọng để toàn dân đóng góp những ý kiến tâm huyết, trí tuệ của mình đối với đất nước, dân tộc. Qua đó phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tuy nhiên những ngày gần đây, sau khi dự thảo Hiến pháp được đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, đã có không ít những ý kiến thể hiện sự định kiến với Đảng, Nhà nước ta. Trong đó, có không ít người lợi dụng việc góp ý sửa đổi Hiến pháp để đưa ra những quan điểm, góp ý thiếu thiện chí, đi ngược lại với truyền thống, đạo lý của dân tộc ta. Thậm chí, có những ý kiến còn cho rằng sửa đổi Hiến pháp cần phải bắt đầu từ việc xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992, tức là xóa bỏ vai trò lãnh đạo Nhà nước, xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng ta biết rằng, Điều 4 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định: 1)Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2) Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. 3) Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Với những nội dung được quy định trong Điều 4, rõ ràng đã thể hiện được vị trí, vai trò và trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vậy mà, có những ý kiến quy chụp, định kiến, thiếu thiện chí lại cho rằng: “Điều 4 làm nghèo khổ nhân dân, làm nguy hại đất nước như vậy mà sao cứ để nó đóng gông mãi vào Hiến pháp Việt Nam cho được”. Từ đó, kêu gọi cần xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, thực hiện đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam.
Thật là phi lý và nực cười. Với những con người có tâm huyết, có thiện chí, trách nhiệm với đất nước, với Tổ quốc và nhân dân mình sẽ không bao giờ đưa ra những ý kiến như vậy.
Chúng ta thấy rằng, tại sao ở Việt Nam việc Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội? Theo tôi, việc Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội là điều hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thực tiễn lịch sử Việt Nam. Bởi vì, thứ nhất, đa nguyên, đa đảng không đồng nghĩa với vấn đề dân chủ. Dân chủ là tổ chức và thiết chế của bộ máy nhà nước để trao quyền lực vào tay nhân dân. Nói cách khác, là hệ thống, cơ chế hoạt động của Bộ máy nhà nước, trong đó quyền lực thuộc về tay nhân dân. Như vậy, một đảng hay đa đảng mà quyền lực thuộc về tay nhân dân thì đó đều là xã hội có dân chủ thực sự. Điều này đã được chứng minh rất rõ ở Việt Nam. Thứ hai, thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy, có những thời kỳ chúng ta đã xuất hiện và tồn tại nhiều đảng phái chính trị khác nhau, nhưng chỉ đến khi Đảng cộng sản Việt Nam xuất hiện và lãnh đạo xã hội thì mới đưa cách mạng Việt Nam đến thành công, mới lãnh đạo nhân dân ta giành được độc lập, tự do. Bởi vậy, trong bối cảnh, tình hình lịch sử của Việt Nam, việc Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tế của Việt Nam. Đây là sự lựa chọn của lịch sử Việt Nam. Thứ ba, ngược dòng lịch sử chúng ta thấy rằng. Ở Liên xô (cũ), trong quá trình sửa đổi Hiến pháp đã xóa bỏ Điều 6 Hiến pháp quy định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Liên xô và hệ quả là đất nước Liên xô lâm vào khủng hoảng, loạn lạc, kết cục là sự tan rã, sụp đổ của Nhà nước Liên xô, một thành trì của cách mạng thế giới.
Ấy vậy cho nên, chúng ta cần cảnh giác với những lời lẽ góp ý thiếu thiện chí, lợi dụng việc góp ý sửa đổi Hiến pháp để lồng ghép những nội dung không có lợi cho đất nước, dân tộc và nhân dân ta.
                                                                                   Người con đất Việt

Không có nhận xét nào: