25 thg 1, 2013

Cần hiểu đúng về chủ trương giải quyết vấn đề biển Đông của Đảng, Nhà nước


Thời gian gần đây tình hình Biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp, vì những hành động ngày càng leo thang và ngang ngược từ phía Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông càng căng thẳng hơn sau sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh và tàu Wiking II của Tập đoàn dầu khí Việt Nam; việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Bộ chỉ huy quân sự và Hội đồng đại biểu nhân dân “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa; đưa 23 ngàn tàu đánh cá với gần 100 ngàn ngư dân rầm rộ đến đánh bắt hải sản tại vùng biển quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đặc biệt trong tháng 11/2012 Trung Quốc đã cấp hộ chiếu phổ thông điện tử cho công dân của nước này, trong đó có in hình bản đồ Trung Quốc bao gồm đường đứt đoạn (hộ chiếu “đườnglưỡi bò”)… ngày 30/11/2012, trong khi tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang tiến hành thăm dò địa chấn bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế thì bị 2 tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 16025 và 16028 cố tình cản trở và gây đứt cáp, bất chấp các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát tín hiệu cảnh báo; hay gần đây là việc công bố chính thức nội dung và đưa vào hiệu lực “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam” trong đó đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào phạm vi áp dụng; tổ chức tập trận tại đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức khai thông và cung cấp dịch vụ 3G, CDMA tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch tàu khách thành phố Tam Á 2012-2022” trong đó có tuyến đi tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
         
Việt Nam kiên quyết khẳng định “Việt Nam có chủ quyền lãnh thổ không bàn cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán với vùng biển trên biển Đông”
Những hành động trên từ phía Trung Quốc đã tạo ra làn sóng phản đối trong người dân Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương lên án Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền về mặt lãnh thổ đối với Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần gửi Công hàm yêu cầu phía Trung Quốc ngừng ngay các hành động trên và khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý về chủ quyền lãnh thổ không bàn cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán với vùng biển trên Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay các hoạt động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau vụ 9/6/2011 tại bãi Tư Chính, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bằng lời  lẽ mạnh mẽ tuyên bố rằng toàn  đảng, toàn dân và toàn quân sẽ bảo vệ quyền lợi của tổ quốc. Đồng thời chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi thăm đảo Cô Tô ngoài khơi tỉnh Quảng Yên sát biên giới Trung quốc cũng tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ biển đảo. Tháng 6/2012, Quốc Hội nước ta thông qua luật biển được sự đồng tình ủng hộ của các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế, đây là cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam và  là cơ sở Việt nam sử dụng, quản lý và bảo vệ các vùng biển và các nguồn tài nguyên trên biển.
Ngày 14/1/2013, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước một số hoạt động vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định: “Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp, trái với tinh thần DOC, không có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc."Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: "Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay các hoạt động sai trái đó".
Tranh chấp trên Biển Đông cũng là vấn đề nóng trên các hội nghị, diễn đàn trong khu vực và trên thế giới. Các nước, các tổ chức quốc tế lên án mạnh mẽ  những hành động ngang ngược trên từ phía Trung Quốc, nhấn mạng đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra về chứng cứ lịch sử không xác thực, vi phạm nghiêm trọng luật biển quốc tế 1982.

Việt Nam chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông
Vấn đề trên Biển Đông là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, dễ bùng nổ dẫn đến xung đột. Đảng, Nhà nước ta khẳng định kiến quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo với chủ trương là giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các thỏa thuận, cơ chế liên quan, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực Biển Đông.
Nhân dân Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và kiên cường đấu tranh bảo vệ tổ quốc trước sự xâm lược của các thế lực ngoại bang phương bắc và gần đây là hai thực dân, đế quốc: Pháp, Mỹ. Bao lớp cha ông đã không quản ngại gian khổ hy sinh, cả nước dồn sức người sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc với bao nhiêu chiến thắng vang dội nghi trong sử sách khiến kẻ thù kinh hồn, bạt vía. Chúng ta được quyền tự hào về một dân tộc Việt Nam anh hùng, giàu lòng yêu nước, không khuất phục trước kẻ thù xâm lược hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Đồng thời thực tiễn lịch sử cho thấy tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam, chúng ta có thể nhún nhường để có hòa bình, và mối bang giao hữu hảo với các dân tộc, chúng ta chỉ thực hiện quyền tự vệ chính đáng của một dân tộc bị kẻ thù xâm lược, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam.
Trong suốt phần lớn thế kỷ XX, Việt Nam vừa trải qua hai cuộc đấu tranh chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước anh dũng, kiên cường, với bao hy sinh, tổn thất, hiện nay toàn Đảng, toàn dân ta mong muốn duy trì hòa bình tạo điều kiện đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH phát triển đất nước nâng cao đời sống cho nhân dân và tiềm lực của Việt Nam trên mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên liên quan tới vấn đề giải quyết tranh chấp biển Đông thời gian qua cũng có một số ý kiến cho rằng “Đảng, Nhà nước ta nhu nhược”, tại sao không dám “đánh” Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo? Hãy thử hỏi và tự mình trả lời liệu chúng ta được gì và mất gì khi xung đột vũ trang xảy ra? Liệu Việt Nam có thể giành được chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng phương cách đó? (nói như vậy không có nghĩa là dân tộc ta nhu nhược, đó là phương cách cuối cùng khi đối phương đẩy chúng ta vào hoàn cảnh buộc phải tự vệ chính đáng trong tình hình hiện nay). Mặt khác, hoàn cảnh thế giới hiện nay, chúng ta thấy rằng giải quyết vấn đề Biển Đông phải khéo léo tránh để các thế lực thù địch kích động dân ta vào tuyến đầu đối địch để chúng tư lợi cho riêng mình….
Nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện thì mới có thể thấy chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết vấn đề Biển Đông.
 Cảnh giác trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch phản động
Tuy nhiên các đối tượng phản động với bản chất phản cách mạng đã cố tình không hiểu chủ trương giải quyết vấn đề biển Đông đúng đắn trên của Đảng, Nhà nước ta. Chúng đã triệt để lợi dụng vấn đề này tăng cường tuyên truyền, xuyên tạc cho rằng Đảng, Nhà nước ta nhu nhược, rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang “tuyên truyền ru ngủ người dân, chấp nhận làm chư hầu cho Trung Quốc”; kích động quần chúng nhân dân xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc, bản chất của những hành động trên không hề thể hiện tình yêu với tổ quốc, mà là những hành động chống Đảng, Nhà nước, làm giảm niềm tin, chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, ảnh hưởng đến sức mạnh của toàn dân tộc. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh tình hiện nay, nhìn nhận vấn đề thấu đáo mỗi người dân Việt Nam hãy đặt niềm tin vào chủ trương bảo vệ chủ quyền của Đảng, Nhà nước; cảnh giác tránh không để mắc mưu của các đối tượng phản động chia rẽ làm giảm sức mạnh của toàn dân tộc.
DTC - YN

Không có nhận xét nào: