17 thg 1, 2013

Hoàn thiện chính sách pháp luật về tôn giáo – Điều kiện đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân


Sau khi Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 92 cụ thể hóa Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013), trên mạng Internet xuất hiện một số bài viết cho rằng Nhà nước Việt nam can thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo, vi phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Vậy thực sự vấn đề này là như thế nào?

Theo quan điểm của tôi, trong xã hội hiện đại, hệ thống pháp luật chính là công cụ đảm bảo tự do cho mọi người, bắt buộc mọi người phải tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với xã hội và không xâm phạm tự do của người khác. Lịch sử thế giới đã chứng minh, trong thời kỳ cổ đại xã hội chưa có pháp luật thì mọi người có thể chém giết lẫn nhau, bắt tù binh làm nô lệ, sẵn sàng tước bỏ mọi quyền tự do của người khác. Năm 1948, Liên hợp quốc đã ra Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, văn bản pháp luật quốc tế đầu tiên và quan trọng nhất về quyền con người. Điều 28 chỉ rõ: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.
Trong lĩnh vực tôn giáo, việc hoàn thiện chính sách pháp luật là điều kiện cần thiết để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một cá nhân.
Trên phương diện luật quốc tế, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định rõ về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân. Điều 18, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo”.
Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo. Hiện nay, ở Việt Nam có 12 tôn giáo đã được Nhà nước Việt Nam công nhận tư cách pháp nhân. Trong các chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân

Điều 10, Hiến pháp 1946 quy định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng…”. Như vậy, so với pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam đã có quy định sớm hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân (sớm hơn 2 năm so với Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền).
Qua từng giai đoạn lịch sử, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tôn giáo ngày càng hoàn thiện hơn phù hợp với xu thế tiến bộ, ngày càng mở rộng và đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Trong tất cả các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 của Nhà nước Việt nam (văn bản pháp luật có tính pháp lý cao nhất) đều quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền cơ bản của công dân. Điều 70, Hiến pháp 1992: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”
Trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, Chính phủ Việt Nam ra các Nghị định: Sắc lệnh số 234 năm 1955 của Chủ tịch nước, Nghị quyết số 297 năm 1977của Hội đồng Chính phủ, Nghị định số 69 năm 1991 của Hội đồng bộ trưởng, Nghị định số 26 năm 1999 của Chính phủ. Trong các văn bản này đều đề ra các chính sách nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Năm 2004, Nhà nước Việt Nam ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất quy định các chính sách để đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Năm 2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 22 hướng dẫn thực hiện chi tiết Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình. Tuy nhiên, Nghị định 22 còn một số bất cập, quy định chưa rõ về hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở, thời gian đảm bảo để cấp đăng kí và công nhận tổ chức tôn giáo, thời gian trả hồ sơ làm việc còn dài... Theo xu thế phát triển của xã hội, những điểm bất cập trong Nghị định 92 không còn phù hợp với thực tế phải được loại bỏ. Năm 2012 Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 92 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013) thay thế Nghị định 22, khắc phục những điểm bất cập trên. Theo đó, tổ chức tôn giáo có cơ sở để làm hồ sơ xét duyệt đăng kí hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức mình. Khi tổ chức tôn giáo được công nhận sẽ được pháp luật bảo hộ...

Như vậy nhìn từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 1992, từ SL 234 đến Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và NĐ 92 cho thấy Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo của Nhà nước Việt Nam chính là để cho quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân được đảm bảo thực hiện một cách đầy đủ. Chính vì vậy  những người đưa ra những luận điệu cho rằng các văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam là “sự can thiệp vào công việc nội bộ của các tôn giáo” có lẽ họ là người “có vấn đề” về nhận thức hoặc họ đã cố tình xuyên tạc vì một mục đích sâu xa nào đó mà chính họ mới biết?
Tín đồ yêu nước

Không có nhận xét nào: