27 thg 2, 2013

Hiểu đúng về quyền tự do tôn giáo


Gần đây, trên mạng Internet xuất hiện nhiều bài viết cho rằng Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, kêu gọi các quốc gia can thiệp để Việt Nam có tự do tôn giáo. Họ cho rằng tự do tôn giáo là một quyền cơ bản của công dân theo Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Họ đòi tách các tôn giáo khỏi sự quản lý của Nhà nước. Vậy thực hư vấn đề này là như thế nào?
Thứ nhất, cần làm rõ hai vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo
Tín ngưỡng là niềm tin vào một đấng siêu nhiên nào đó. Như vậy tín ngưỡng là vấn đề thuộc về tư tưởng
Có nhiều quan niệm khác nhau về tôn giáo. Tuy nhiên tất cả đều thống nhất cho rằng tôn giáo là một dạng tổ chức xã hội, có bộ máy tổ chức, có nhân sự.
Trong một xã hội phát triển thì tư tưởng được tự do, còn những tổ chức xã hội phải được quản lý theo pháp luật. Do đó, chỉ có tự do tín ngưỡng chứ không tồn tại thứ gọi là tự do tôn giáo.
Thứ hai, xem xét dưới góc độ Luật pháp quốc tế và pháp luật của một số quốc gia trên thế giới thấy rằng chỉ có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, một quyền về tư tưởng, thuộc về quyền cơ bản của công dân. Hơn nữa, pháp luật các nước đều quy định tổ chức tôn giáo phải chịu sự quản lý của Nhà nước
Điều 18 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền chỉ rõ: “Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng”. Như vậy, theo Luật pháp quốc tế quyền tự do tôn giáo của công dân được hiểu là quyền tự do về tư tưởng, bao gồm sự tự nguyện theo hay không theo tôn giáo và tự do bày tỏ đức tin (tự do thực hành lễ nghi tôn giáo). Khoản 2, Điều 29 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền cũng đã nêu: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra”. Như vậy, quyền tự do tôn giáo cũng bị hạn chế bởi pháp luật, nghĩa là mọi tổ chức tôn giáo đều phải chịu sự quản lý của Nhà nước.
Luật về tách rời nhà thờ và Nhà nước của Cộng hòa Pháp quy định: “Cộng hòa Pháp bảo đảm tự do tín ngưỡng, Cộng hòa Pháp bảo đảm quyền tự do hành đạo với những hạn chế trước đây vì quyền lợi duy trì trật tự công cộng” (Điều 1). “Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự giám sát của các cơ quan chính quyền”( điều 26). Như vậy, theo pháp luật của Cộng hòa Pháp thì công dân chỉ có quyền tự do tín ngưỡng và cho thấy sự quản lý nhà nước Pháp đối với tôn giáo.
Hiến pháp Đức năm 1949 tuyên bố quyền công dân về tự do tín ngưỡng, tự do lương tâm, tự do công khai hóa các quan điểm tôn giáo và quan điểm về xã hội, tự do thực hành các nghi lễ tôn giáo.  Như vậy, theo pháp luật của CHLB Đức thì công dân cũng chỉ có quyền tự do tín ngưỡng.
Luật IV năm 1990 của Hungari về tự do tín ngưỡng tôn giáo và nhà thờ ở Hungari quy định công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo (Điều 1), quy định về cấp đăng kí hoạt động cho tổ chức tôn giáo (điều 9 đến điều 16)… Như vậy pháp luật Hungari chỉ công nhận quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và các tôn giáo phải chịu sự quản lý của Nhà nước
Qua vài ví dụ trên cho thấy thế giới thừa nhận quyền tự do tôn giáo là quyền bị giới hạn, chỉ có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, một thứ quyền thuộc về tư tưởng, tinh thần mới là tuyệt đối. Cũng không có tự do tôn giáo tuyệt đối, không thể tách tôn giáo khỏi sự quản lý của Nhà nước. Những kẻ trích dẫn luật này luật nọ để hô hào tự do tôn giáo cho Việt Nam từ đó đòi tách tôn giáo khỏi sự quản lý của Nhà nước là những kẻ bịp bợm, cố tình nhập nhằng giữa vấn đề tín ngưỡng (thuộc về tư tưởng) và vấn đề tôn giáo (tổ chức xã hội cụ thể) để đánh lừa người dân.
Lê Quang

Không có nhận xét nào: