22 thg 2, 2013

Sự phi lý trong báo cáo của Human Right Watch


Trong báo cáo tình hình nhân quyền năm 2012, HRW một lần nữa chỉ trích Chính phủ Việt Nam hạn chế đối với bất đồng chính kiến, đối lập chính trị, quyền tự do ngôn luận và hội họp, tự do tôn giáo. Những chỉ trích của Tổ chức này thực sự là phi lý và hơn nữa đó còn là một sự xuyên tạc và vu cáo trắng trợn đối với Nhà nước Việt Nam.
HRW cho rằng, ở Việt Nam đang đàn áp có hệ thống nhằm vào giới đấu tranh cho dân chủ và những người chỉ trích Chính phủ, tiếp tục trấn áp những người bất đồng chính kiến.., bắt bớ, sách nhiễu những người hoạt động chính trị. HWR đã nêu ra các trường hợp Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo như việc bắt giữ 18 người nhóm Bia Sơn ở Phú Uyên, trường hợp Nguyễn Công Chính bị kết án với tội danh vi phạm điều 87 “phá hoại tình đoàn kết dân tộc”; Bùi Văn Thắm bị kết án 30 tháng tù giam cho “chống người thi hành công vụ” và rất nhiều việc mà chính quyền Việt Nam vi pham nhân quyền.
 Những đòi hỏi, chỉ trích của HRW là phi lý và phi pháp, hơn nữa đó còn là một sự xuyên tạc và vu cáo trắng trợn đối với Nhà nước Việt Nam. Có thể khẳng định rõ ràng như vậy bởi mấy lý do cơ bản sau:
Thứ nhất, Việt Nam cũng như bất cứ một quốc gia có chủ quyền nào khác trên thế giới, có quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, độc lập dân tộc, chống lại các âm mưu nhằm lật đổ chế độ xã hội của các thế lực thù địch, phản động được thực hiện dưới các hình thức khác nhau, trong đó có hình thức “diễn biến hòa bình”, “đấu tranh bất bạo động”.
Thứ hai, không có một văn kiện quốc tế nào bắt buộc các quốc gia phải áp dụng một tiêu chuẩn, một quy định pháp lý thống nhất. Các quốc gia có các trình độ phát triển khác nhau, có đặc thù văn hóa, truyền thống... không giống nhau.. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là nguyên tắc tối thượng, bao quát các quan hệ quốc tế trong đó có cả quan hệ pháp lý. Luật quốc tế, trên thực tế, đó là các hiệp ước giữa các quốc gia, nó chỉ phát sinh hiệu lực khi quốc gia nào đó gia nhập; ký kết, phê chuẩn công ước
Thứ ba, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966, tại Điều 1 quy định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết...” bao gồm quyền “quyết định thể chế chính trị...”. Điều đó có nghĩa là, một quốc gia - dân tộc lựa chọn chế độ xã hội nào, hệ thống chính trị đa đảng hay “độc” đảng, xây dựng hệ thống pháp luật bảo vệ con người và chế độ xã hội ra sao... là quyền của mỗi quốc gia - dân tộc.
Trong Công ước quốc tế nói trên có các quy định về các quyền dân sự, chính trị như "Quyền tự do ngôn luận”; “Quyền tự do lập hội, hội họp”... nhưng những quyền nói trên không phải là quyền tuyệt đối mà là những quyền bị hạn chế. Có nghĩa là, đối với những quyền trên, các quốc gia có quyền đưa ra các quy định hạn chế nếu đó là cần thiết vì “An ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc vì các quyền và tự do của người khác.”
Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người. Quyền con người ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm tốt hơn cùng với những tiến bộ đạt được trong tăng trưởng kinh tế. Điều đó đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, muốn là bạn, là đối tác tin cậy với các nước trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam không bao giờ bó tay trước các âm mưu và hành động lợi dụng "dân chủ", "nhân quyền", "tự do ngôn luận", "tự do báo chí"... nhằm lật đổ chế độ xã hội mà nhân dân Việt Nam đã phải hy sinh bao nhiêu mồ hôi, xương máu mới giành lại được. Nhà nước Việt Nam cũng không bao giờ chịu sự áp đặt cái gọi là “chuẩn mức pháp lý quốc tế” cực đoan mà phải hy sinh lợi ích cao nhất của dân tộc, đó là độc lập dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, vì đó là tiền đề và điều kiện cơ bản để bảo đảm quyền con người.
Thứ tư, Nếu như HRW thật lòng vì nhân quyền cho Việt Nam, thì trước hết hãy lên án các công ty hóa chất sản xuất chất diệt cỏ có hàm lượng chất độc cao hơn mức cho phép đã được rải xuống đất nước Việt Nam, làm cho bao người dân Việt Nam vô tội bị nhiễm chất độc khủng khiếp đó - bị thứ chất độc màu da cam đó tước đi quyền được sống, được làm một con người khỏe mạnh, bình thường. Những hậu quả của chất dioxin đối với người Việt Nam đến nay vẫn còn hết sức nặng nề với khoảng 4,8 triệu nạn nhân bị ảnh hưởng và 150.000 trẻ em bị dị dạng ngay từ khi mới sinh ra. Hậu quả bi thảm này không biết sẽ kéo dài đến bao giờ và qua bao nhiêu thế hệ./.


Không có nhận xét nào: