22 thg 2, 2013

Sự thật về HRW!


Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch, tên viết tắt: HRW) là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở đặt tại NewYork, Hoa Kỳ. Tiền thân của HRW là tổ chức Helsinki Watch do Robert L.Bernstein thành lập năm 1978 với mục đích "giám sát" Liên Xô (trước đây) bằng cách thu thập tư liệu liên quan tới việc Liên Xô thực hiện quy ước của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), hỗ trợ các nhóm bảo vệ nhân quyền tại nước này. Năm 1988, Helsinki Watch hợp nhất với một số tổ chức quốc tế khác có cùng tôn chỉ, mục đích, từ đó đổi tên thành Human Rights Watch (HRW). Tuy nhiên, căn cứ vào hoạt động của HRW lại thấy tổ chức này đang đi lệch tôn chỉ, mục đích ban đầu và trở thành "con rối" đội lốt nhân quyền để kiếm tiền.
Một trong những "sứ mệnh" HRW tự phong cho mình là "tiến hành nghiên cứu thực tế và điều tra các vi phạm nhân quyền, báo cáo một cách công tâm về tình hình nhân quyền tại khoảng 90 quốc gia". Tuy nhiên, không hiểu HRW "nghiên cứu thực tế" như thế nào, các báo cáo có độ tin cậy đến đâu, khi tổ chức này liên tục chịu sự chỉ trích từ chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức truyền thông về phương pháp, năng lực nghiên cứu. Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã từng chỉ trích đội ngũ chuyên gia của HRW không đủ kiến thức chuyên sâu, trong khi đó thì Robert L.Bernstein, người sáng lập HRW, lại cáo buộc tổ chức này áp dụng phương pháp nghiên cứu "nghèo nàn", dựa vào các nhân chứng mà không kiểm chứng những lời kể của họ, hoặc có đưa ra bằng chứng thì cũng vì mục đích chính trị. Viện nghiên cứu Monitor cáo buộc HRW áp dụng phương pháp luận sai lầm, hiểu sai luật pháp quốc tế…
HRW luôn tự khẳng định là tổ chức phi chính phủ độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ chính phủ nào và các báo cáo nhân quyền của mình là công tâm, không vì mục đích chính trị. Tuy nhiên, xem các báo cáo của HRW thấy rằng những nước “vi phạm nhân quyền” chủ yếu là các nước đang hướng theo các giá trị trái ngược với ý thức hệ tư bản, các nước theo chủ nghĩa xã hội, và các nước theo đạo Hồi như Liên Xô (trước đây), Liên bang Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Sri Lanka, các nước Mỹ Latinh...; đồng thời tâng bốc các giá trị "tự do, dân chủ" kiểu Mỹ. Với cách đưa tin thiên vị như vậy, HRW đang khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về tính "công tâm", "độc lập". Tháng 9-2008, Vê-nê-xu-ê-la đã trục xuất hai nhân viên HRW là Jose Miguel Vivanco và Daniel Wilkinson với lời cáo buộc họ tiến hành "các hoạt động chống phá nhà nước". Ngày 17-9-2008, đã có 118 học giả của Achentina, Australia, Brazil, Mexico, Venezuela, Mỹ, Anh cùng một số quốc gia khác viết thư ngỏ gửi Ban giám đốc HRW để phản đối báo cáo của tổ chức này về tình hình nhân quyền tại Venezuela. Theo các học giả, báo cáo của HRW "không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu nhất về phương pháp nghiên cứu, sự công bằng, chính xác và tin cậy". Cáo buộc trên càng có cơ sở khi báo cáo tài chính của HRW năm 2009 cho thấy, họ nhận được 44 triệu USD trong đó 75% mức đóng góp đến từ Bắc Mỹ, 25% đến từ Tây Âu và chỉ chưa đầy 1% từ các khu vực khác.
Một cáo buộc khác nhắm vào HRW là tổ chức này đã lợi dụng tâm lý chống Israel để viết báo cáo và gây quỹ tại Arap Saudi. Vào ngày 19 tháng 10 năm 2009, chủ tịch danh dự Human Rights Watch Robert Bernstein, người sáng lập tổ chức này và đã lãnh đạo nó trong suốt 20 năm, đã chỉ trích công khai về vai trò của HRW trong cuộc xung đột Ả rập - Israel. Ông cho rằng tổ chức đã đi ngược với sứ mệnh ban đầu khi nó chỉ trích Israel, một xã hội mở với một chế độ dân chủ, nhiều hơn các chế độ độc tài trong khu vực nhằm gây quỹ tại đây.
Qua những bằng chứng trên, có ai dám khẳng định HRW là một tổ chức theo dõi nhân quyền công tâm? Hay đây chỉ là tổ chức đội lốt nhân quyền để kiếm những đồng tiền nhơ nhớp, phục vụ mưu đồ chính trị của một ai đó?

Không có nhận xét nào: