2 thg 12, 2012

Đa nguyên có đồng nhất với dân chủ?


Dân chủ đa đảng là nền tảng duy nhất cho sự thịnh vượng? Tôi cho đó là cách nhìn không bao quát và khá thiên kiến. Nói về dân chủ, Hồ Chủ Tịch đã từng nhắc đến đơn giản: "dân chủ là dân làm chủ".
Hiểu đúng về dân chủ
Dân chủ là một giá trị xã hội, là khát vọng của nhân loại; trình độ dân chủ là thành quả của tiến bộ xã hội, phát triển cùng với tiến bộ xã hội và là một tiêu chí đánh giá tiến bộ xã hội. Mỗi bước tiến của lịch sử là một bước tiến của dân chủ. Dân chủ là kết quả của tiến bộ xã hội, phát triển cùng với tiến bộ xã hội và là tiêu chí đánh giá tiến bộ xã hội chứ không thể là nền tảng xây dựng xã hội và càng không thể là cơ sở, tiền đề để phát triển kinh tế. Đó là nhận định không đúng về nguyên tắc chính trị, về lịch sử.
Dân chủ là một khái niệm mang tính phổ quát toàn cầu, đúng với mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt quốc gia nào nhưng đa nguyên thì không như vậy. Do đó cần tách rời chúng về mặt quan niệm. Không phải dân chủ chỉ thuộc về đa nguyên hay ngược lại cũng chưa chắc.
Dân chủ có phải là nền tảng của thịnh vượng?
Nghiên cứu kỹ về các nền kinh tế lớn trên thế giới, dĩ nhiên có quá nhiều nền kinh tế, nhiều mặt để đánh giá nhưng thử xem một số nước phương Tây như Đức, Pháp, Anh, Italia... và Mỹ có quá khứ phát triển kinh tế dựa vào thời cơ và thuận lợi nào? Ai cũng biết rõ nền kinh tế các nước được lợi quá nhiều từ các nước khác. Và hiển nhiên nền tảng kinh tế ban đầu vượt quá sức mà bản thân các nước đó có thể tự lực gầy dựng nên. Có người lại quan tâm tới Nhật sau thế chiến II thì sao? Nhật Bản đã biết nhận thức thời cuộc, biết sửa đổi sai lầm, biết học những bài học đắt giá của quá khứ, học bài học các nước phát triển một cách cầu thị ("chiến dịch" cho du học sinh sang nước ngoài học tập mang tinh hoa về, các chiến dịch cải cách giáo dục...) mới là nhân tố chính làm nên một Nhật Bản "thần kì". Không thể nêu bật lên cho rằng vai trò dân chủ kiểu đa đảng làm nền tảng ở đây.
Điều đó nói lên cái gì? Có phải dân chủ kiểu đa đảng làm nên sự thịnh vượng hay không. Trong khi đó bằng cách này hay cách khác (thực dụng hay bạo lực) các nước chỉ luôn chú tâm làm lợi cho mình trước khi quan tâm đến vấn đề tranh cãi chính trị như đa nguyên hay nhất nguyên. Ngược lại chỉ nên nhìn nhận dân chủ như một khái niệm hết sức tương đối có tính chất lịch sử và gắn liền với truyền thống văn hoá như thế nào đó. Không thể quy chụp hay gán ghép cho bất cứ thể chế nào dù là đa nguyên hay nhất nguyên.
Đa đảng không phải là mẫu hình lý tưởng
"Mẫu hình lí tưởng" của thể chế đa nguyên đa đảng trên thực tế không phục vụ "vì nhân dân" và có những hoạt động đi ngược lại quyền lợi nhân dân,những người họ mà đại diện. Với chính phủ Mỹ thực tế nghịch lý rằng nhân dân đang phục vụ cho nguyện vọng của chính quyền. Hai Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa là nhân tố chi phối chính phủ Mỹ. Thoạt nhìn sự đối lập, mâu thuẫn giữa họ nhưng thực chất đều bỏ phiếu ủng hộ cho cùng luật pháp bảo vệ các tập đoàn kinh tế trong khi đó làm thiệt hại lợi ích nhân dân.
Như vậy lợi ích của các tập đoàn kinh tế đã và đang được ngụy trang phục vụ trong bối cảnh đa nguyên đa đảng đó. Các tập đoàn này dùng ảnh hưởng cá nhân để đạt được các quyền quy định trong Hiến Pháp đáng lẽ phải dành cho dân. Bởi các đảng phái đều được tài trợ từ nhiều tập đoàn kinh tế.
Có thể nói hệ thống này ngăn cản lực lượng tiến bộ Mỹ, nơi mà luật có thể thông qua dễ dàng bởi sức ép cũng cố quyền lực kinh tế các tập đoàn nhưng chặn lại sự bảo vệ người dân trước các tác động tiêu cực bởi chính các tập đoàn đó. Mâu thuẫn đấu tranh giữa hai Đảng thực chất che đậy các vi phạm về Hiến Pháp qua mặt các lực lượng tiến bộ để ngụy tạo các hành vi tạo cớ xung đột chính trị, vũ trang can thiệp nước ngoài. Điều này thể hiện như một thiết chế tài phiệt. Mục đích không ngoài độc quyền tạo điều kiện cũng như bảo vệ quyền lợi các tập đoàn kinh tế Mỹ.
Nhận định trên đây có thể coi là chủ quan nhưng quay về với hiện tại Việt Nam để thấy rằng "mẫu hình" dân chủ kiểu đa đảng không thể là lý tưởng. Không thể áp đặt một mô hình đa nguyên chỉ dựa trên "quan sát" và "kinh nghiệm" mà thiếu cơ sở thực tiễn hoặc lý lẽ tương tự.
Thực tế Việt Nam
Những năm đầu của thế kỷ XXI, Việt Nam được cộng đồng thế giới và các tổ chức quốc tế thừa nhận và tuyên dương là quốc gia dẫn đầu về tốc độ và hiệu quả xóa đói, giảm nghèo. Nhiều người cho rằng tốc độ thì vậy nhưng quy mô phát triển vẫn còn nhỏ bé. Thậm chí "lái" sang rằng nếu dân chủ đa đảng thì sẽ phát triển hơn thế nữa(!?). Trong khi chưa có thực tiễn cơ sở vững chắc nào khẳng định điều ấy đối với đất nước thì một số đối tượng rêu rao phải đa đảng mới có dân chủ và phát triển kinh tế vững mạnh mà quên đi vấn đề ở chỗ xuất phát điểm,nền móng ban đầu của nước ta thế nào? Điều kiện thuận lợi, rủi ro quá khứ ra sao. Đó là thiếu cái nhìn toàn diện và khách quan về đất nước bởi quá lo chăm chú đổ lỗi cho Đảng cầm quyền, cho thể chế chính trị. Phải chăng, những người kêu gọi thực hiện đa đảng ở Việt Nam có ý đồ gì chăng?
Đòi hỏi dân chủ và đổi mới hệ thống chính trị là yêu cầu của lịch sử. Đổi mới hệ thống chính trị nên cần thực hiện từng bước và dựa trên kết quả cụ thể của đổi mới kinh tế,sự chín mùi của vận động xã hội, nhằm tiên quyết đảm bảo ổn định đất nước.Đó là điều quan trọng để quyết định nội dung bước đi thích hợp nhất cho sự phát triển của đất nước trong hòa bình ổn định để phát triển kinh tế. Tuy nhiên đổi mới đó không thể do vài nhóm người, phe phái tranh thủ hô hào khởi xướng được. Đó là một quá trình phức tạp cần đúng đắn, vững chắc để biết bắt đầu từ đâu, cái gì cần giải quyết cấp bách trước nhất. Không thể có chuyện ở đâu "xung phong đi đầu" đòi thay đổi chính trị(!?) .
Thế giới nghĩ gì về dân chủ đa đảng
Dân chủ đa nguyên có quyền được nở hoa tại Việt Nam dựa trên các quyền tự do ngôn luận? "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" điều 19.2 ghi: ''Mọi người có quyền tự do ngôn luận, quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức truyền miệng, bằng bản viết, bản in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông nào khác tuỳ theo sự lựa chọn của mình". Công ước được Việt Nam thừa nhận và ký kết cũng như tỏ rõ quan điểm của Nhà Nước về vấn đề này.
Điều khoản 19.3 của công ước này cũng ghi nhận: ''Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác;
b) Bảo đảm an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng''
Dân chủ luôn gắn liền với kỷ cương pháp luật của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Vì thế điều này trước hết nên được tôn trọng trong một đất nước ổn định, có quy phạm pháp luật. Khó có thể dùng bài "chưa thể công khai"- vì khi đó anh dễ dàng bị lật tẩy, bắt với tư cách vi phạm pháp luật chứ không phải vì 'bất đồng chính kiến" nào cả. Rõ ràng, không phải cứ cất lên tiếng nói dân chủ đa đảng là đem lại những điều "thần kỳ" hay tiến bộ hơn cho người dân,cho đất nước. Tôi hoàn toàn không bị thuyết phục nó sẽ đem lợi ích gì, ít nhất ở hiện tại cho sự phát triển của đất nước cả. Nó cũng đã đi quá xa với nhu cầu quyền lợi chính đáng của người dân. Những người thật sự mưu cầu cho hạnh phúc người dân, cho sự đi lên của đất nước nên thay đổi chính mình.

Không có nhận xét nào: