10 thg 12, 2012

Mạo danh báo chí, hoạt động trái pháp luật

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung bộ, rất nhiều doanh nghiệp và các cơ quan, địa phương phản ánh có một số người tự xưng là “phóng viên” của các "báo điện tử", các "tạp chí Trung ương" đến khai thác thông tin viết bài tuyên truyền nhưng thực ra là ép làm quảng cáo. Thực hư câu chuyện này như thế nào?


Trang tin điện tử ép làm quảng cáo
Hai người xưng là “phóng viên” báo điện tử “Kinh tế hội nhập” đã hẹn gặp chúng tôi tại một quán cà-phê ở TP Vinh. Sau khi đưa ra bản hợp đồng, bảng báo giá, một người nói: “Các anh chỉ cần cung cấp các số liệu, chúng em sẽ viết bài cho công ty của các anh. Chất lượng của bài viết tùy thuộc vào giá tiền. Anh yên tâm đi, bọn em làm việc này nhiều rồi, từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đến Thanh Hóa”. 
Giấy giới thiệu, “thẻ phóng viên” do các trang tin điện tử, tạp chí cấp cho nhân viên đi giao dịch làm quảng cáo, PR
Theo giới thiệu của hai người này, chúng tôi truy cập vào địa chỉ www.kinhtehoinhap.vntrên internet, nhận thấy rất nhiều bài viết được đăng tải như: “Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn làm tốt công tác chất lượng dạy và học”, “Trường THPT Diễn Châu 5 - 10 năm xây dựng và trưởng thành”… Không chỉ ở Nghệ An, mà các cơ quan, doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, các tỉnh khác cũng được đăng bài trên website này, như Bệnh viện đa khoa Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh cũng phản ánh: “Vừa qua, có hai người xưng là “Phóng viên báo điện tử Kinh tế hội nhập đến trường chúng tôi, liên hệ làm việc và ghi chép một số thông tin để viết bài”. Mỗi bài viết về cơ quan, đơn vị, địa phương trên website đều có “giá”; và nếu cơ quan, đơn vị địa phương chậm hoặc không thanh toán, sẽ nhận được công văn đòi nợ như trường hợp đối với UBND xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An): “Trung tâm báo chí Kinh tế Hội nhập chúng tôi đã đăng tải thông tin tuyền truyền về phát triển kinh tế, kêu gọi hợp tác đầu tư cho quý cơ quan trên www.kinhtehoinhap.vn”,  “Sẽ nhờ pháp luật can thiệp, nếu đơn vị không thanh toán số tiền 3.500.000đ”. Các nhân viên củawww.kinhtehoinhap.vn  được “Công ty Cổ phần truyền thông đa phương tiện”, địa chỉ: số 45 Ngô Gia Tự, TP Vinh, Nghệ An cấp thẻ và giấy giới thiệu là “phóng viên”, “có nhiệm vụ liên hệ công tác, thu thập tư liệu viết bài”.
 Thẻ phóng viên” do các trang tin điện tử, tạp chí cấp cho nhân viên đi giao dịch làm quảng cáo, PR
Một trang web khác có tên miền http://lamhongonline.vn thuộc Công ty cổ phần công nghệ thông tin và truyền thông E-LINK, trụ sở đóng tại phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An cũng có hoạt động tương tự. Trang tin này chủ yếu trích dẫn, đăng lại tin, bài từ các báo điện tử khác, đồng thời hoạt động quảng cáo rất rầm rộ. Được biết, website này chưa có giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng. Cũng tương tự như vậy, trang tinhttp://ngheannews.vn chỉ ghi địa chỉ là “Quỳnh Lưu, Nghệ An", và “Liên hệ quảng cáo: Nguyễn Sỹ Trọng” kèm số điện thoại di động.
Nghị định 97/2008/NĐ-CP quy định: “Trang tin điện tử được trích dẫn thông tin, bài viết của các tờ báo khác, nhưng phải ghi rõ nguồn xuất xứ; không được phép sản xuất và phát hành nội dung thông tin”. Như vậy, việc các trang tin điện tử dù đã được cấp phép hay không nhưng cử nhân viên đi khai thác thông tin, viết tin, bài đưa lên mạng internet là trái quy định.
Bà Nguyễn Nữ Lan Oanh, Trưởng phòng Quản lý báo chí và xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An nói: “Chúng tôi có nghe việc các trang tin điện tử có địa chỉ đăng ký hoạt động tại Nghệ An cho nhân viên đi đến các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp “ép” làm quảng cáo, nhưng do các cơ quan, đơn vị không phản ánh bằng văn bản nên không có căn cứ để xử lý. Chúng tôi đã báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông và đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh có liên quan phối hợp trong việc xử lý”.
Không chỉ các trang tin điện tử hoạt động mập mờ, làm quảng cáo, PR, ấn phẩm “Thị trường Nghệ An mua & bán” do Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Tâm Thịnh Phát (số 07 Phùng Chí Kiên, TP Vinh, Nghệ An) phát hành, được trình bày như một cuốn tạp chí. Chúng tôi gọi đến số điện thoại ghi trên ấn phẩm, thì được trả lời “Đây là tạp chí, là báo…”; bảng báo giá đăng quảng cáo ở ấn phẩm này cũng ghi rõ: “Báo Thị trường Nghệ An mua & bán”
“Báo Trung ương xuất bản tại địa phương”: Liên kết hay bán cái?
Tạp chí Lao động và xã hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được phát hành 03 số/tháng; số cuối tháng được đặt tên Đảng trong cuộc sống hôm nay. Trong số cuối tháng 11-2012, Đảng trong cuộc sống hôm nay có 31 bài (chiếm 45/72 trang) là các bài PR, quảng cáo với nội dung ca ngợi thành tích các trường mầm non, trung học cơ sở trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, như:Trường Tiểu học Vĩnh Thành: Hướng đến ngày 20-11; Trường Mầm non Hoa Thành: Cô giáo như mẹ hiền; Xã Cẩm Lộc: Vượt khó đi lên; Nghĩa Lợi: Khắc phục khó khăn đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội… Điều đáng nói, trong toàn bộ số tạp chí này không hề có bài viết nào mang tính lý luận, nghiệp vụ về lao động - xã hội, cũng như không có những bài viết tuyên truyền đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng như tên gọi. 
Có thể kể ra một số trường hợp tương tự:
Ấn phẩm Dân tộc & Thời đại gộp các số 147 và 148 (tháng 7-8 năm 2012), có tới 13 bài viết PR quảng cáo cho các xã nghèo ở Nghệ An, Quảng Bình, như: “Sắc màu Tri Lễ hôm nay”; “Thành công nối tiếp thành công”. Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng có ấn phẩm mang tên Quê hương ngày nay từ nhiều năm nay đã được tổ chức xuất bản, phát hành tại Nghệ An. Ấn phẩm này cũng gần như không có các bài viết hướng dẫn kỹ thuật, hay tư vấn về phân bón, trồng trọt.
 Trang 2 tạp chí “Đảng trong cuộc sống hôm nay”, số tháng 11-2012 ghi rõ mục lục các bài viết PR, quảng cáo
Tất cả các ấn phẩm này đều có ghi giá bán ở trang bìa nhưng hoàn toàn không có mặt trên thị trường báo chí, chỉ có các cơ quan, đơn vị “bị” đăng bài PR, quảng cáo mới nhận được vài ba chục cuốn.
Hiện tượng trên được gọi là “báo Trung ương xuất bản tại địa phương”. Chúng tôi đã đưa những cuốn tạp chí này đến gặp bà Nguyễn Nữ Lan Oanh, Trưởng phòng Quản lý báo chí của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An. Sau khi xem xét, bà Oanh nhận xét: “Tất cả các tạp chí này đều có dấu hiệu chệch hướng về tôn chỉ, mục đích. Về phần ghi thông tin trên xuất bản phẩm như thế này cũng sai, bởi chức năng của các công ty chỉ được liên kết, tổ chức bản thảo, in và phát hành chứ không phải là người chịu trách nhiệm nội dung cũng như biên tập”; “Về việc này, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An sẽ kiến nghị Cục Báo chí đề nghị kiểm tra và yêu cầu các tạp chí này hoạt động đúng tôn chỉ và mục đích”.
Chúng tôi đã tìm hiểu và được biết việc “liên kết” này diễn ra với nhiều hình thức: Các Công ty, cá nhân tại Nghệ An “liên kết” có thể đảm nhiệm toàn bộ hoặc mua từng số tạp chí. Việc “chuyển giao ấn phẩm” từ tòa soạn các tạp chí cho các bên “liên kết” tại Nghệ An thực hiện dưới dạng liên kết phát hành với những người đã từng là phóng viên, hoặc những người có công việc ít nhiều liên quan đến báo chí. Sau khi ký kết, bên “liên kết” được toàn quyền quyết định trong việc tổ chức nội dung tin bài, in ấn, phát hành… và tuyển dụng nhân sự; chỉ cần hằng tháng nộp đủ số tiền đã thỏa thuận là xong. Điều đó đặt ra câu hỏi, liệu việc “liên kết” xuất bản, phát hành các tạp chí này trên địa bàn Nghệ An có phải là “bán cái”?
Tỉnh ủy Nghệ An vừa ban hành Công văn số 471-CV/BTGTU yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện kiểm tra, xử lý các trang tin điện tử hoạt động trái quy định. Theo đó, các huyện, thành, thị ủy, các đảng ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành cấp tỉnh có hình thức cung cấp thông tin, tuyên truyền để các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn biết để nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tránh để một số doanh nghiệp, trang tin điện tử lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, hoạt động trái quy định, làm ảnh hưởng đến hoạt động của môi trường báo chí và gây khó khăn, phiền phức cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, xử lý nội dung thông tin nói trên. Các cơ quan báo chí trong tỉnh, các cơ quan đại diện, thường trú báo chí quan tâm, phát hiện, tố giác các hành vi mạo danh báo chí, mạo danh phóng viên để hoạt động trái pháp luật trên địa bàn tỉnh, kịp thời định hướng dư luận, góp phần cung cấp thông tin để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi, hoạt động vi phạm pháp luật.
Những nhân viên của các công ty này được cấp giấy giới thiệu là “phóng viên” lũ lượt kéo nhau về các xã, phường, doanh nghiệp từ Thanh Hóa đến Quảng Bình để “thu thập tài liệu viết bài tuyên truyền” nhưng thực ra là cố thuyết phục, nài ép, thậm chí là dọa dẫm để ký hợp đồng quảng cáo, mỗi bài viết như thế thường có giá từ 3-5 triệu đồng.

Không có nhận xét nào: