12 thg 12, 2012

Giúp Đông Nam Á tự cường trước Trung Quốc

"Nếu ASEAN không đoàn kết, không thống nhất ý chí với nhau trong cuộc chống bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thì Mỹ có muốn giúp mấy cũng đành chịu." - Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason (Hoa Kỳ).

Obama đủ trí tuệ để không sa lầy chiến tranh ở Syria
Ông đánh giá thế nào về hành trang mà Tổng thống Obama mang theo sang nhiệm kỳ thứ hai?
Về phương diện ngoại giao, ông đã thành công. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Obama đã thành công rồi, thành ra trong cuộc tranh luận trên truyền hình lần cuối cùng, ông Romney gần như đồng ý với ông Obama.
Thứ hai, là ông Obama sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với sự tự tin và từng trải hơn. Tất nhiên, là có những vấn đề khó khăn nảy sinh mà không lường trước được, như vấn đề khủng hoảng ở Syria. Nhưng tôi tin ông Obama đủ trí tuệ và cẩn trọng để không đưa nước Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến tranh không có đường ra.
Chẳng hạn, như vụ Syria, ông Obama đã bị áp lực của Đảng Cộng hòa đòi can thiệp, nhưng ông dứt khoát không.
Và nếu đủ minh mẫn và khả năng chịu sức ép, ông Obama sẽ có đủ lực lượng để chuyển trọng tâm sang  châu Á, để tiếp tục thi hành cái chính sách đã được bắt đầu ở nhiệm kỳ trước. Đó là chiều hướng thuận lợi cho châu Á.
Tất nhiên, ông ta còn phải làm một việc nữa liên quan đến tính kế thừa. Ông ta hoàn toàn không phải là một "tại nạn của lịch sử", mà có nhiệm kỳ hai hẳn hoi. Tức là ông ta được bầu vì tài cán hẳn hoi, và được người Mỹ chấp nhận. Ông thúc đẩy được việc chăm sóc y tế cho người Mỹ, trong khi các đời Tổng thống trước chỉ có Lindon Johnson ngày xưa mới làm được bảo hiểm cho người già.
Nếu ông ta phục hồi được kinh tế, và khiến càng nhiều quốc gia ở khu vực này trở nên dân chủ hơn, thì ông ta quá thành công.
Xin ông đánh giá về hai chuyến thăm Myanmar và Thái Lan vừa rồi của Tổng thống Obama?Khi sang Myanmar, ông Obama rất khôn khéo. Chẳng hạn, Quốc hội Mỹ họ bảo Tổng thống quá vội vã, Myamar vẫn còn là chế độ độc tài mà. Ông Obama bảo rằng ông muốn thể hiện sự cam kết với quá trình dân chủ hóa mới bắt đầu, và thứ hai là cần có sự khuyến khích nhất định.
Với Myanmar, ông cũng nói thẳng rằng việc giúp đỡ của Mỹ sẽ tùy theo tiến trình dân chủ hóa, tiến đến đâu giúp đến đó. Thành ra, Quốc hội không "cãi" được ông.
Thái Lan trước đây áo đỏ - áo vàng đánh nhau liên miên... Ông Obama nói rằng ông thăm Thái Lan để khuyến khích quá trình dân chủ hóa.
Chờ động thái đáp lại của ĐNA
Ông dự đoán thế nào sự trở lại châu Á của Mỹ, trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama?
Thời ông Tổng thống Bush (con), khu vực này trách móc là Mỹ đã bỏ quên họ. Thực ra, vào cuối nhiệm kỳ của ông Bush, Mỹ đã trở lại khu vực này rồi.
Từ khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Obama lại càng khẳng định sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ. Có một sự đồng thuận rất lớn trong chính quyền của ông, khi cả tổng thống, bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao lên tiếng khẳng định điều này tại các diễn đàn khác nhau. Vì vậy, những chuyến thăm của họ, nhất là của Tổng thống Obama, sang khu vực này là sự thể hiện sự cam kết của nhà cầm quyền Washington.
Thế nhưng, chính sách của Mỹ luôn phù hợp với quyền lợi của Mỹ, bao gồm vấn đề an ninh, kinh tế, và giá trị Mỹ.
Về an ninh thì khỏi nói rồi, khi mấy năm trở lại đây nổi lên vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản, và Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á. Căng thẳng gia tăng hoàn toàn có thể dẫn tới sự hạn chế tự do hàng hải và thương mại. Là một cường quốc hàng đầu về hải quân và hàng hải, Mỹ chắc hẳn không thể để những diễn tiến này vượt khỏi tầm kiểm soát của họ.
Về kinh tế, Tổng thống Obama đã giải thích với Quốc hội rằng khu vực này là trục phát triển trong tương lai, và Mỹ muốn thịnh vượng thì phải xuất khẩu được sang khu vực này càng nhiều càng tốt.
Nhưng đối với vấn đề thuộc về giá trị Mỹ như dân chủ - nhân quyền, ông không thể nào bỏ qua được. Bởi, nếu bỏ qua, chắc chắn ông sẽ không có sự ủng hộ trong nước, và gặp khó khăn trong việc thi hành các chính sách quốc nội khác.
Tất nhiên, cũng có những ngoại lệ, trong tình trạng khẩn cấp. Chẳng hạn, Mỹ với Liên Xô rất ghét nhau, nhưng vẫn phải liên minh với nhau để cùng đánh Đức Quốc xã trong chiến tranh thế giới II. Hay, tuy Mỹ với Trung Quốc không ưa nhau nhưng lại cùng bắt tay trong vấn đề Campuchia của Việt Nam.
Chúng ta phải hiểu rõ điều này để đừng lầm lẫn rằng chính sách của Mỹ cũng tiền hậu bất nhất, như ở nước này nước nọ. Mỹ rất nhất quán trong chính sách đối ngoại, chủ yếu dựa trên các quyền lợi mà tôi đã đề cập ở trên.Vậy cam kết của Mỹ ở khu vực này là gì? Ý tôi muốn nói đến khu vực Đông Nam Á.
Mỹ chỉ cam kết rằng "nếu các anh muốn khỏe mạnh, tự cường, thì tôi giúp cho các anh khỏe, tự cường, chứ tôi không cam kết là tôi sẽ đánh lại người nào đánh các anh".
Tổng thống Obama đã giải thích rõ ràng điều này với Quốc hội, thể hiện qua việc như tăng cường khả năng quân sự cho Philippines, bắt chặt tay hơn với Indonesia, sau một thời gian dài hờ hững.
Theo tôi hiểu, phía Mỹ đã làm phần của họ rồi. Phần còn lại là khu vực này phải có những động thái thể hiện sự đáp lại mà thôi.
Còn nếu mà ASEAN không đoàn kết, không thống nhất ý chí với nhau trong cuộc chống bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thì Mỹ có muốn giúp mấy cũng đành chịu.
Tiến bộ đến đâu, giúp đến đó
Quay lại câu chuyện Myanmar, có ý kiến cho rằng Mỹ không muốn lặp lại bài học với Liên Xô của ông Gorbachev ngày xưa. Khi tiến hành "perestroika" Tổng thống Gorbachev đã gặp rất nhiều khó khăn trong nước, và rất mong phương Tây, đứng đầu là Mỹ hỗ trợ. Tuy nhiên, vì câu chuyện quá khứ thời "chiến tranh lạnh", nên dường như Mỹ đã mặc kệ cho Liên Xô ngập vào khủng hoảng và tan vỡ...
Một kết cục tương tự cũng hoàn toàn có thể xảy ra với Myanmar, nhất là trong khi nước láng giềng khổng lồ bên trên vẫn muốn áp đặt lại ảnh hưởng đang bị thách thức của họ?
Không, hai điều này khác nhau nhiều lắm. Thứ nhất, nhiều người chỉ trích ông Gorbachev đổi mới chính trị, trước khi đổi mới kinh tế, nên mới bị sập tiệm. Thực ra mô hình Xô Viết đã thâm căn cố đế đến 60 năm, nên nếu không đổi mới chính trị thì không bao giờ đổi mới được kinh tế.
Chính vì vậy, ông Gorbachev đã phải chuyển quyền lực từ Đảng Cộng sản Liên Xô sang cho Quốc hội, tức là Xô Viết Tối cao. Theo tôi, ông Gorbachev là người rất giỏi, nhưng ông đã không thành công trong đổi mới chính trị vì lực lượng chống đối quá lớn.
Thứ hai, về việc viện trợ kinh tế, Mỹ và phương Tây đã có bàn rồi. Hồi đó, có một nhóm chuyên viên Liên Xô và Mỹ đề nghị Mỹ viện trợ cho chính quyền của ông Gorbachev theo Kế hoạch Marshall, mỗi năm khoảng 20 tỷ USD, không tính lãi, trong ba năm liền. Nhưng tốc độ giải ngân sẽ dần dần, phù hợp với tiến trình cải cách của ông Gorbachev.
Khác với Đặng Tiểu Bình có thời gian dài hơn để thử nghiệm cải cách kinh tế lâu hơn, ông Gorbachev vẫn muốn giữ nền kinh tế tập trung, tức là không muốn chấp nhận hoàn toàn thị trường tự do. Trong khi đó, phía Tổng thống Bush (cha) thì gặp phải ngân sách thâm thủng, nên không dám can đảm ra kêu gọi sự phê chuẩn của Quốc hội với một số tiền quá lớn như vậy.
Thế rồi, chuyện không thành, và cuối cùng ông Gorbachev đổ, với sự tan rã của Liên Xô. Các nhà học giả mơ mộng thì vẫn chỉ trích Mỹ về việc không thực hiện Kế hoạch Marshall đối với Liên Xô, nhưng quả thực trong bối cảnh lúc đó là không thể thực hiện được.
Thế còn trường hợp của Myanmar thì sao ạ?
Myanmar còn bé quá, ông Obama chưa cam kết gì cả, trừ tháo gỡ những hạn chế thương mại áp đặt trước đây. Ông Obama tuyên bố với giới lãnh đạo Myanmar rằng "các ông tiến bộ đến đâu, chúng tôi sẽ giúp đến đó". Tức là ý ông vẫn đòi hỏi Myanmar phải thúc đẩy nhanh tiến trình dân chủ hóa, như tiếp tục thúc đẩy việc trả tự do cho tù chính trị. Phía Mỹ còn muốn theo dõi xem chính quyền Myanmar sẽ đối xử với bà San Suu Kyi ra sao nữa.
HUỲNH PHAN

Không có nhận xét nào: