3 thg 12, 2012

Chủ nghĩa đa nguyên - Vì sao không chấp nhận? (Tiếp)


Phần 2: Những điểm “lập lờ đánh lận con đen” của chủ nghĩa đa nguyên
Qua những điểm mà chủ nghĩa đa nguyên nêu ra và được các thế lực thù địch CNXH “rêu rao” thấy ngay trong bản chất của chủ nghĩa đa nguyên chứa đựng rất nhiều điểm “mập mờ”, phản khoa học. Tìm hiểu cội nguồn của vấn đề thì thực chất họ đang tìm mọi cách để bảo vệ cho sự thống trị của giai cấp tư sản, phủ nhận những luận điểm cơ bản của học thuyết Mác-Lê nin. Xin trích dẫn một số điểm tiêu biểu sau:
- Những người theo chủ nghĩa đa nguyên không đưa ra được một tiêu chuẩn nào có ý nghĩa khoa học để giải thích tại sao họ lại chia xã hội thành nhiều nhóm, với một thế giới quan dựa trên "học thuyết số đông". Thực ra, họ muốn giấu bản chất giai cấp của xã hội tư sản. Và khi nói đến giai cấp, thì họ cũng chia giai cấp theo những tiêu chuẩn chức năng, nhiệm vụ (lãnh đạo, bị lãnh đạo), nghĩa là cùng một loại tiêu chuẩn để chia xã hội ra thành nhiều nhóm người dựa theo nghề nghiệp (mức sống), mức độ tiêu dùng, quyền lợi, trình độ giáo dục, sự tham gia chính quyền tôn giáo, màu da…nhưng tại sao giai cấp này lại chiếm được vị trí lãnh đạo và tại sao giai cấp kia lại ở vào vị trí bị lãnh đạo, thì họ không nói đến được.
- Nguồn gốc mà chủ nghĩa Mác đã phân tích là quan hệ với tư liệu sản xuất, thì họ không dám đả động tới. Giai cấp tư sản nắm được quyền thống trị, chính là vì nó nắm quyền tư hữu đối với tư liệu sản xuất. Nhưng nếu nói toạc ra như vậy thì bóc trần bản chất bóc lột của giai cấp tư sản và sẽ vạch ra cho giai cấp công nhân và những người lao động thấy rằng muốn xoá bỏ chế độ người bóc lột người thì phải đứng lên làm cách mạng thủ tiêu chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Điều này là tối kỵ đối với giai cấp tư sản.
- Khi xã hội đã tiến đến "xã hội công nghiệp hiện đại", thì những người theo CNĐN lại đưa ra một luận điều mới: trong "XHCN hiện đại", thì không còn có thể phân chia xã hội ra thành giai cấp, là vì một con người bây giờ cùng một lúc thuộc về nhiều nhóm, nhiều tầng lớp, nhiều tập đoàn khác nhau. Con người trong xã hội đa nguyên là một điểm gặp nhau của nhiều nhóm khác nhau và nhiều quan hệ khác nhau. Cùng một con người đó, nhưng ở đây thì là của một gia đình, ở kia thì lại là con hoặc là anh của một gia đình khác. Nhưng gia đình đó có thể có những cách sống khác nhau và rằng buộc con người đó vào những hướng hoàn toàn khác nhau … Phân tích theo cách này thì không còn có tiêu chuẩn khoa học nào nữa. Thực chất là họ muốn xoá nhoà ranh giới giai cấp và hoàn toàn làm lơ đối với nguồn gốc vật chất sinh ra các giai cấp.
- Chủ nghĩa đa nguyên kinh tế thì cho rằng: Kinh tế là mặt trận chủ yếu của cuộc đấu tranh các nhóm người trong xã hội đều có những quyền lợi phải thoả mãn. Chỉ có CNTB mới thoả mãn được yêu cầu đó. Nó chống lại sở hữu quốc dân, chống lại kế hoạch hoá xuyên tạc các quan hệ sở hữu XHCN, nó muốn phá huỷ nền tảng vật chất của chế độ XHCN. Nó hướng giai cấp công nhân và những người lao động vào cuộc giành giật những quyền lợi tủn mủn, thiển cận hàng ngày, và quên đi đấu tranh chính trị. Mưu đồ của "chủ nghĩa kinh tế" đã được Lê-nin vạch ra từ cuối thế kỷ trước: "Vì đấu tranh kinh tế mà quên mất đấu tranh chính trị, như thế tức là xa rời nguyên lý chủ yếu của cuộc vận động xã hội - dân chủ quốc tế, là quên mất những điều mà toàn bộ lịch sử của phong trào công nhân đã dạy chúng ta. Những kẻ hăng say bênh vực cho giai cấp tư sản và cho chính phủ phục vụ giai cấp nay cũng đã nhiều phen tìm cách tổ chức những Công hội có tính cớât thuần tuý kinh tế và làm cho công nhân không chú ý đến "chính trị", đến CNXH”.
- Chủ nghĩa đa nguyên chính trị thì tuyệt đối hóa tính đa dạng của xã hội, ca tụng "xã hội đa nguyên là dân chủ nhất, tốt đẹp nhất". Trong giai đoạn hai của tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đa nguyên chính trị ngày càng được quảng cáo để mị dân, vừa để xuyên tạc CNXH, vừa để bào chữa CNTB. Nó chỉ ra thành ba phạm trù với mục đích sử dụng chủ nghĩa đa nguyên làm công cụ mị dân: Chủ nghĩa đa nguyên tự do, đa nguyên xã hội - thiên chúa giáo. Một trong những luận điệu chủ yếu của chủ nghĩa đa nguyên chính trị là cho rằng “dân chủ phương Tây với những đặc điểm cấu trúc của nó là dân chủ đa nguyên". Thậm chí nó định nghĩa với tự do, với dân chủ với nhân quyền. Chủ nghĩa đa nguyên chính trị luôn luôn phủ định tính giai cấp của dân chủ. Nó xuyên tạc CNXH, cho rằng CNXH là độc tài, là "kẻ thù của tự do".
Họ nói, với chủ nghĩa đa nguyên, họ có thể "dân chủ hoá" CNXH. Họ cho rằng cái đích sau cũng là "xã hội đa nguyên" mà họ đồng nhất với xã hội tư sản. Trắng trợn hơn nữa, họ nói rằng đây mới là "CNXH chân chính". Nó muốn khoác chiếc áo "chủ nghĩa" có hệ thống, có thế giới quan, nhân sinh quan, quan điểm. Nó nguỵ trang dưới nhiều khẩu hiệu rất mị dân để lôi kéo quần chúng. Những mục tiêu cuối cùng của nó vẫn không ngoài mục tiêu mà các thuyết phản động trước đây của giai cấp tư sản đã nhằm cố gắng duy trì và bào chữa cho CNTB, điên cuồng chống CNXH và các dòng thác cách mạng.
                                                                                             Búa liềm

Không có nhận xét nào: