28 thg 12, 2012

“Tuyên bố ngoại giao về chủ quyền biển đảo” nhìn từ góc độ pháp lý.


Hiện nay, tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực đang là vấn đề chính trị “nóng” của toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Phía Trung Quốc liên tiếp có các hành động ngang ngược, xâm phạm chủ quyền và cản trở các hoạt động bình thường về kinh tế, an ninh – quốc phòng… trong phạm vi lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực tranh chấp.
Trước những hành động phi nghĩa đi ngược lại với chính các điều ước quốc tế, các thỏa thuận và hiệp ước chung mà Nhà nước Trung Quốc đã kí kết, tham gia hoặc tuyên bố. Bộ Ngoại giao Việt Nam thường trao công hàm tới đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và phát ngôn phản đối trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Ngày 29 – 5 – 2011 (sau sự kiện phía Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02), bà Nguyễn Phương Nga - người phát ngôn của Bộ ngoại giao Việt Nam nói: "… Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam…"
Sau một loạt hành động vi phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia Việt Nam tháng 10 – 2012, Trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “VN yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của VN, không có thêm những hoạt động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa VN và TQ cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông”…
Lời phát ngôn cũng như các hoạt động ngoại giao trên không chỉ là các biện pháp ngoại giao đơn thuần, và càng không thể chứng minh Nhà nước Cộng hòa xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam bất lực trước những hành vi khiêu khích bằng vũ lực, quân sự của Trung Quốc như phản hồi trên một số báo mạng, số ít thành viên của các mạng xã hội hay một vài blogger nếu ta nhìn từ góc độ pháp lý:
           Thứ nhất, nếu Nhà nước Việt Nam tiến hành ngay các biện pháp vũ trang hoặc quân sự để trả đũa hành vi của Trung Quốc chính là phá bỏ đi lợi thế trong việc nắm giữ các chế định pháp lý bảo vệ mình đồng thời vi phạm các điều ước, công khai xóa bỏ các tuyên bố thỏa thuận đã đạt được trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Hành động này không bao giờ cần thiết cho một Nhà nước, một dân tộc nhược yếu nắm giữ chính nghĩa cần sự động viên, trợ giúp của nhân loại tiến bộ.
Thứ hai, việc tuân thủ các điều ước, thỏa thuận đã ký kết (trong đó có Việt Nam và Trung Quốc) và việc tiến hành các hoạt động ngoại giao trên mang tầm ý nghĩa và đạt hiệu quả pháp lý rất cao trong việc Nhà nước Việt Nam khẳng định trên trường quốc tế về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển xung quanh nó. Theo luật công pháp quốc tế, các nguyên tắc “công nhận, không phản ứng và estopel” cho phép một quốc gia sử dụng chính các “Tuyên bố ngoại giao” và các hoạt động ngoại giao cụ thể như: ký kết các điều ước, trao công hàm phản đối… là một biện pháp tiên quyết và quan trọng hàng đầu trong khẳng định chủ quyền liên tục và bảo vệ lợi ích quốc gia đối với vùng lãnh thổ đang bị tranh chấp.
Cũng cần phải thấy rằng: hành vi cương quyết, chính xác nhưng mềm mỏng về ngoại giao của Nhà nước ta đang và sẽ tạo nên lợi thế lớn trong lập luận và chứng cứ nếu như vụ việc tranh chấp này được đưa ra Tòa án JCJ (tòa án quốc tế trong giải quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền và lợi ích quốc gia về biển đảo). Có thể lấy ví dụ điển hình về trường hợp giải quyết giữa Singapore và Malaysia trong tranh chấp hòn đảo chiến lược Pedra Branca của tòa án quốc tế JCJ (Singapore được lợi từ phán quyết này bởi tôn trọng các điều ước, luật pháp quốc tế).
Ngoài ra, trên phương diện lợi ích kinh tế, vấn đề hội nhập kinh tế biển Việt Nam ra thế giới, thu hút đầu tư quốc tế; tạo thời cờ thuận lợi củng cố thêm sức mạnh an ninh quốc phòng, đặc biệt là tiềm lực hải quân để tự bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc thì yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo một môi trường đầu tư ổn định, hòa bình; phải tôn trọng và thi hành đầy đủ các điều khoản của điều ước và pháp luật quốc tế về giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển chủ quyền xung quanh nó.
Trong lịch sử xây dựng và giữ nước của cha ông ta hàng ngàn năm nay, chúng ta có thể tự hào về những chiến thắng vang dội của trận thủy chiến Bạch Đằng năm 938, trận thủy chiến với quân Nguyên Mông năm 1288, Hay gần nhất là những thành tựu ngoại giao như “hiệp định sơ bộ 6 – 3 - 1946”, “tạm ước 14 – 9 - 1946” của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa để rồi thắng lợi nhất định sẽ về ta, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản sẽ giữ vững chủ quyền biển đảo cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Nguyễn Nam

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

bài viết hay và sâu sắc lắm. người dân Việt thế kỷ 21 hãy là một công dân yêu nước đồng thời cũng phải là một công dân tiến bộ của toàn cầu.