3 thg 12, 2012

Việt Nam có tự do tín ngưỡng tôn giáo?


Là một người theo đạo tôi thường xuyên theo dõi về tình hình tự do tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam. Thời gian gần đây tôi để ý thấy một số đồng bào hải ngoại của tôi và một số phương tiện truyền thông đại chúng nói rằng ở Việt Nam không có tự do tín ngưỡng tôn giáo và nhà nước Việt Nam hay “đàn áp tôn giáo”? Khi nghe những thông tin này tôi rất bất bình với Nhà nước Việt Nam vì tự do tín ngưỡng tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người., chẳng lẽ nhà nước Việt Nam lai mất nhân quyền đến thế? Và tôi đã cất công tìm hiểu các quy định của luật pháp Việt Nam về vấn đề này cũng như thực tiễn ở Việt nam.
Và tôi hơi bất ngờ khi thấy rằng không đúng như những gì tôi được nghe. Hoá ra Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo các quyền con người nói chung và quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo nói riêng. Điều này đã được thể hiện không chỉ là trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn luôn được Nhà nước Việt Nam đảm bảo thực hiện trong thực tiễn.
Về phương diện pháp lý, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo đã được chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến ngay từ những văn kiện cách mạng đầu tiên và được ghi nhận trong rất nhiều các văn bản pháp luật khác. Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quy định rõ: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng” (Điều 10). Như vậy nếu so sánh với các quy định của pháp luật quốc tế như Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966) thì rõ ràng vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo đã được nhà nước Việt Nam ghi nhận từ rất sớm.
Kế thừa và phát triển tinh thần của Hiến pháp 1946 về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, những bản Hiến pháp sau này như Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 đều có những điều khoản hết sức cụ thể quy định về vấn đề này. Điều 70 Hiến pháp năm 1992 đã quy định rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Không chỉ được thể hiện trong Hiến pháp, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo còn được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật khác của Nhà nước Việt Nam như Luật tổ chức chính phủ, Nghị định 26/1999/NĐ-CP, Thông tư số 1 và số 122 (1999) hướng dẫn hoạt động tôn giáo, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo (2004) Điển hình như tại Nghị định 26/1999/NĐ-CP, Chính phủ Việt Nam quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo” (Điều 1), “Công dân theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện mọi nghĩa vụ công dân” (Điều 2), “Mọi công dân có quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo nào, từ bỏ hoặc thay đổi tôn giáo ” (Điều 3)
Đồng thời với việc khẳng định trên phương diện pháp lý, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được Nhà nước Việt Nam luôn luôn bảo đảm thực hiện trong thực tiễn. Điều này được thể hiện qua việc chính quyền luôn chăm lo giải quyết các nhu cầu tôn giáo chính đáng của quần chúng. Ngoài các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân (Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo), nhà nước Việt Nam đã xét và công nhận hàng chục tổ chức, hệ phái các tôn giáo hiện đang tồn tại và hoạt động theo chính sách, pháp luật như Tịnh độ cư sĩ Phật hội, Baha’i, Bửu Sơn Kỳ Hương..... Hoạt động của các tôn giáo luôn được chính quyền quan tâm nhất là việc in ấn, xuất bản kinh sách, đào tạo, xây sửa cơ sở thờ tự đảm bảo cho sinh hoạt tôn giáo bình thường của quần chúng giáo dân. Chỉ tính trong vòng 5 năm (199-2004), thông qua Nhà xuất bản Tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và tín đồ đã xuất bản được 719 ấn phẩm Tôn giáo với 4200000 bản in, trong đó riêng Kinh thánh là hơn 500000 bản. Năm 2007, nhà xuất bản Tôn giáo đã ấn hành 620 đầu sách của các tổ chức tôn giáo với 1,2 triệu bản in và 180 xuất bản phẩm tôn giáo với 97500 bản. Chỉ tính riêng năm 2008 đã có 915 đầu sách[1]. Việc mở trường và đào tạo chức sắc tôn giáo luôn được Nhà nước hỗ trợ và ủng hộ. Nhiều sinh hoạt tôn giáo, nhiều ngày lễ lớn hàng năm của các tôn giáo như lễ Nô-en của Thiên chúa giáo, lễ Phật đản của Phật giáo đều được chính quyền tạo điều kiện tổ chức với sự tham gia của hàng nghìn, hàng vạn quần chúng tín đồ. Điển hình như Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008 được tổ chức trọng thể tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 4000 tăng ni, phật tử  trong đó có khoảng 2000 chức sắc, tín đồ đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đảng, Nhà nước Việt Nam còn tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại các vùng có đông đồng bào các tôn giáo, nâng cao đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần cho đồng bào có đạo.
Có đi sâu tìm hiểu tôi mới thấy những luận điệu Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo, Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo chỉ là những đánh giá chủ quan, phiến diện của một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Phải chăng xuất phát từ sự thiếu thiện chí với Việt nam hay vì một lý do sâu xa nào khác mà họ đã cố tình không nhận thức được thực tiễn tình hình tự do tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam. Tuy nhiên dù với lý do nào đi chăng nữa thì họ cũng không thể phủ nhận được những thành tựu hết sức to lớn của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Nếu họ vẫn tiếp tục  xuyên tạc về tình hình tự do tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam, e rằng họ sẽ là những người lạc điệu và bị đông đảo tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam cũng như nhân dân tiến bộ trên thế giới lên án.
Người viễn xứ




Không có nhận xét nào: