2 thg 12, 2012

Thông tin một cách có trách nhiệm và nhân văn

Một trong những chủ đề được các nhà báo và quan chức ngoại giao tham gia Diễn đàn hợp tác truyền thông 10+3 (10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) là làm thế nào để báo chí, các cơ quan truyền thông khu vực không bị cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan khi thông tin về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ đang có chiều hướng gia tăng, với tính chất ngày càng phức tạp, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực.

Góp phần tích cực nhất vào quá trình xây dựng lòng tin

Ngay trong những ngày các nhà báo và quan chức ngoại giao của 13 nước châu Á có mặt tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc để tham dự Diễn đàn thì tình hình tranh chấp quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng nóng lên. Bên cạnh đó là tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xung quanh quần đảo Ta-kê-si-ma/Đốc-đô cũng rất căng thẳng. Còn ở Biển Đông, bất chấp phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực, Trung Quốc tiếp tục có những hành động gây căng thẳng ở Biển Đông, nơi đang có những tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.

Chủ đề chung của Diễn đàn là hòa bình, phát triển hài hòa và hợp tác nhưng các ý kiến tập trung nhiều về vai trò của truyền thông trong việc thông tin các vấn đề tranh chấp chủ quyền biên giới, lãnh thổ, trong đó tập trung vào các điểm nóng nhất là tranh chấp chủ quyền các đảo giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và tranh chấp Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á ở Biển Đông.

Trong báo cáo đề dẫn, Tổng biên tập Nhân dân nhật báo ông Wu Hengquan nêu quan điểm: Các cơ quan truyền thông khi thông tin về các sự kiện liên quan đến các tranh chấp thì họ không phải là người đứng ngoài các cuộc tranh chấp ấy, song, truyền thông phải có trách nhiệm tạo ra sự ổn định xã hội và giữ vững hòa bình ở khu vực. Ông đề nghị: Để viết về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN một cách tốt hơn, báo chí các nước châu Á phải tạo ra nhiều hình thức hợp tác, phục vụ lợi ích nhiều bên của các nước trong khu vực. “Những tranh chấp lãnh thổ giữa một số nước trong khu vực là một thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt. Các cơ quan báo chí phải đưa tin về các tranh chấp này một cách chính xác và khách quan. Báo chí phải góp phần tạo ra sự hiểu biết và nhận thức chung thay vì tạo ra sự hiểu lầm và nuôi dưỡng sự đối đầu. Sẽ rất nguy hiểm nếu chính sách ngoại giao của đất nước bị chủ nghĩa dân tộc cực đoan bắt làm con tin. Bảo vệ hòa bình, xây dựng môi trường phát triển hài hòa và thúc đẩy sự hợp tác hữu nghị phải là âm hưởng chủ đạo của truyền thông châu Á", ông Wu Hengquan nói.

Vấn đề thông tin về các tranh chấp ở khu vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà ngoại giao tham dự diễn đàn. Bà Đại sứ Bru-nây tại Trung Quốc Mac-da-len Teo khi đề cập vấn đề này nói rằng các nhà báo và các nhà ngoại giao đều có chung sứ mệnh là bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu các phương tiện truyền thông, khi thông tin về các vấn đề tranh chấp biên giới, lãnh thổ lại thổi vấn đề chủ nghĩa dân tộc lên quá nóng và hướng dư luận bạn đọc, công chúng đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Bà cũng lưu ý rằng, cùng với sự phát triển của các mạng xã hội, mỗi cá nhân đều có quyền tự do thông tin, tự do trình bày các ý kiến thì vai trò của các cơ quan truyền thông phải giúp bạn đọc nắm thông tin chính xác, đúng bản chất, kịp thời có những bình luận, phân tích để định hướng dư luận. Bà cũng cho rằng báo chí có tác động rất lớn đến các chính phủ và người dân, có ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạch định chính sách và tác động mạnh đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của người dân nên thực sự phải xây dựng một nền truyền thông có trách nhiệm ở khu vực châu Á. Các cơ quan truyền thông ở mỗi nước có trách nhiệm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc nhưng đồng thời phải hướng đến lợi ích chung của cả khu vực. Châu Á, hơn bao giờ hết đang cần môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, truyền thông phải góp phần tích cực nhất vào quá trình xây dựng lòng tin, nâng cao sự hiểu biết và tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc. Chỉ trên cơ sở xây dựng lòng tin, sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau và tình hữu nghị giữa các quốc gia dân tộc mới có thể xác lập và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác và phát triển trên các lĩnh vực.

Tạo môi trường thuận lợi để các chính phủ giải quyết các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Thơ cũng cho rằng, báo chí truyền thông có vai trò rất lớn trong việc xử lý và giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa các nước. Nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở tiến trình giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình và một khi truyền thông tham gia vào việc kích động chủ nghĩa dân tộc có thể dẫn tới xung đột, phá vỡ ổn định, an ninh khu vực. Vì vậy, báo chí phải có một tiếng nói khách quan và cân bằng, tạo môi trường thuận lợi để các chính phủ giải quyết các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Truyền thông châu Á, cả khu vực và từng quốc gia, phải là một nền truyền thông có trách nhiệm.

Ý kiến của các nhà báo Hàn Quốc, Nhật Bản, Phi-líp-pin, Trung Quốc, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a đều cho rằng, khi thông tin về các tranh chấp biên giới, lãnh thổ, các vấn đề liên quan đến lịch sử, các cơ quan truyền thông phải có thái độ thận trọng, trách nhiệm cao đối với những ý kiến và lập luận của mình. Không một đại diện truyền thông nào đồng tình với việc báo chí kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và cực đoan, vốn đang là một cản trở lớn trong việc giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa các chính phủ và các quốc gia.

Ông Yoshibumi Wakamiya, Tổng biên tập Báo Asahi Shimbun của Nhật Bản cho rằng, một cơ quan truyền thông có trách nhiệm là biết cân nhắc những gì nên và không nên thông tin. Hiện đang có một xu hướng là khi thông tin về các vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ, báo chí thường gắn với các sự kiện xảy ra trong quá khứ. Chẳng hạn vấn đề tranh chấp quần đảo Xen-ca-cư (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang gây nên những căng thẳng trong quan hệ hai nước được gắn với cuộc chiến tranh Nhật-Trung và vì vậy dễ kích động tâm lý dân tộc trong người dân. Ông cũng cho rằng, đối với truyền thông, tranh chấp biên giới lãnh thổ là một đề tài có sức thu hút. Báo chí của mỗi bên đều ra sức phê phán nhau và đứng trên lập trường của nước mình. Thật khó mà tìm được ở báo chí những nước liên quan đến tranh chấp một tiếng nói chung, cân bằng và khách quan.
Ông Jung Suk-koo, Tổng biên tập tờ Nhật báo Hankyoreh của Hàn Quốc cũng đánh giá: Báo chí có ảnh hưởng rất lớn đến công luận và có tác động mạnh mẽ đến các nhà hoạch định chính sách. Mỗi ý kiến, lập luận đưa ra, dù đã nhấn mạnh đến tính khách quan đều ít nhiều chứa đựng góc nhìn chủ quan. Rất hiếm bài viết được các bên liên quan nhìn nhận là thực sự khách quan và công bằng về tranh chấp biên giới lãnh thổ. Nếu không xử lý tốt các thông tin, các bài viết dễ gây ra những tác động tiêu cực đến dư luận. Ông cho biết, ở Hàn Quốc và Nhật Bản có tình trạng một số cơ quan báo chí bị các nhóm chính trị thao túng. Ông nói, báo chí không nên để bị các nhóm lợi ích chính trị lợi dụng. Báo chí phải phản ánh những thông tin và quan điểm mang lại lợi ích cho đất nước. Là nhà báo, chúng ta phải tránh sự lợi dụng của các nhóm chính trị theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Ông Peter Ong, trợ lý Tổng biên tập của tờ Lianhe Zaobao (Xin-ga-po) cho rằng, các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông cũng như các tranh chấp chủ quyền các đảo giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể làm ảnh hưởng quá trình hợp tác kinh tế ở Đông Á và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi kinh tế của thế giới. Các phản ứng nhiều chiều, gay gắt xung quanh các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ gần đây đã tạo nên những bất lợi cho sự ổn định khu vực và chính tâm lý chủ nghĩa dân tộc do các cuộc tranh luận về chủ quyền tạo ra đang làm cản trở đến quá trình đàm phán ngoại giao.

Ngoại giao báo chíÔng Yoshibumi (Báo Asahi Shimbun) nói rất đúng rằng: Nếu báo chí, truyền thông của các nước châu Á tự gây ra sự thù địch với nhau thì không có cách nào để làm cho tiếng nói châu Á có sức nặng trên trường quốc tế.

Để báo chí châu Á thực sự là đóng vai trò thúc đẩy giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, các đại biểu đều cho rằng, cần có nhiều hình thức giao lưu, trao đổi ý kiến nhằm tăng cường đối thoại, hợp tác, trao đổi thông tin để đi tới những nhận thức chung về phương hướng giải quyết những tranh chấp phù hợp với lợi ích của các quốc gia và lợi ích chung của cả khu vực. Mục tiêu mà truyền thông phải hướng tới khi thực hiện sứ mệnh thông tin và định hướng dư luận chính là hòa bình, ổn định, phát triển của cả khu vực. Khi thông tin về các vấn đề liên quan đến lợi ich quốc gia dân tộc mình, truyền thông của các nước châu Á phải có một tầm nhìn toàn cầu và nhân văn, không nên để thông tin gây ra sự hiểu lầm trong dư luận, ảnh hưởng đến lợi ích chung của khu vực.

Không khó để nhận thấy một thực tế là trong lúc các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo ở châu Á đang tiếp tục leo thang, một sự kết hợp nguy hiểm giữa chủ nghĩa dân tộc với các vấn đề chính trị nội bộ ở một số nước đã làm trầm trọng thêm các tranh chấp. Một số cơ quan truyền thông ở một số nước đã đưa ra các bài viết với lời lẽ hiếu chiến khiến cho tâm lý chủ nghĩa dân tộc ngày một dâng cao. "Sự huy động văn hoá" này đã gây ra sự kích động đối với một bộ phận dân chúng mà trong một số trường hợp đã vượt ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền và là nguyên nhân gây ra sự bất ổn chính trị ở ngay trong từng quốc gia.

Lúc này đây, giữa các quốc gia có yêu sách và đòi hỏi về chủ quyền, vấn đề rất quan trọng là xây dựng lòng tin và mở ra ngày càng nhiều cơ hội đối thoại hơn nữa. Và truyền thông là một phương tiện quan trọng để thúc đẩy tiến trình này. Thay vì những bài viết với lời lẽ hiếu chiến, kích động tâm lý chủ nghĩa dân tộc cực đoan, gieo rắc hận thù và sự nghi kỵ, báo chí và truyền thông các nước cần định hướng dư luận và tác động lên các nhà hoạch định chính sách đề ra và thực thi các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trên báo chí nên loại bỏ những tiếng nói cực đoan, gây hận thù, chia rẽ, dọa nạt sử dụng vũ lực... gây phức tạp thêm tình hình. Tuyên truyền về lòng yêu nước khác hẳn với tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Tuyên truyền về chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi chỉ khoét sâu thêm sự nghi kỵ, phá vỡ lòng tin, chặn mọi ngả đường dẫn đến các cuộc đàm phán và đối thoại, rất dễ châm ngòi cho các cuộc xung đột quân sự.

Báo chí và ngoại giao có nhiều điểm chung- đúng như bà Đại sứ Bru-nây đã khẳng định. Mỗi nhà báo đồng thời phải là một nhà ngoại giao và phương tiện trong tay họ phải thực sự là những nhịp cầu hữu nghị đưa các quốc gia, các chính phủ, các dân tộc, các chính khách và nhân dân các nước đến với nhau trong sự gần gũi và thân thiện. Cũng bằng các phương tiện truyền thông phải thu hẹp đến mức tối đa những khác biệt và bất đồng, không để những nhận thức khác nhau ngày càng lớn lên, gây nên sự hiểu lầm và chia rẽ. Nguồn gốc của mọi cuộc xung đột và chiến tranh chính là những sự hiểu lầm và chia rẽ như vậy.

Có hay không một hình thức ngoại giao báo chí? Chắc chắn là có. Mỗi chính phủ cần sử dụng tối đa sức mạnh truyền thông để giới thiệu hình ảnh của mình với thế giới. Và chắc chắn hình ảnh đó phải là hình ảnh một đất nước hòa bình, hữu nghị, thân thiện, hợp tác và phát triển chứ không phải là hình ảnh của một quốc gia hiếu chiến, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý, dùng sức mạnh để lấn át và bắt nạt nước khác.

Một nền truyền thông có trách nhiệm ở châu Á lúc này sẽ là động lực quan trọng để các chính phủ và nhân dân các nước trong khu vực hướng đến những mục tiêu chung và lợi ích chung là hòa bình, hợp tác hữu nghị và phát triển, đưa châu Á thành một khu vực hòa bình, yên ổn và thịnh vượng. “Sự huy động văn hóa” hay “huy động truyền thông” ở mỗi quốc gia đều phải lấy lợi ích chung làm trọng. Lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là trên hết nhưng phải đặt trong tổng thể lợi ích khu vực và toàn cầu. Và trong xu thế hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay, xu thế chính vẫn là hòa bình, hợp tác, phát triển, các quốc gia cùng nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu, không quốc gia nào có thể đem lợi ích của mình đối chọi với lợi ích quốc gia khác.

Một nền truyền thông trách nhiệm là sứ mệnh và lương tâm, đạo đức của các nhà báo ở mỗi quốc gia. Các mạng xã hội, các blog cá nhân, các phương tiện truyền thông mới hiện đang là cơ hội và cũng là thách thức chung đối với các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống ở tất cả các nước. Trước những thông tin trái chiều lan truyền trên các mạng xã hội người dân sẽ tìm đến các tờ báo chính thống, các đài phát thanh, truyền hình. Các cơ quan truyền thông này có trách nhiệm chỉ ra cho người đọc, người xem, người nghe đâu là đúng và đâu là sai, cái gì nên và cái gì không nên? Sứ mệnh định hướng dư luận vẫn thuộc về các phương tiện truyền thông truyền thống.

Châu Á đã trải qua các thế kỷ chiến tranh và xung đột. Hận thù, đối đầu, sự nghi kỵ... đã từng một thời gây ra biết bao đau khổ cho người dân các nước trong khu vực. Một châu Á với những triển vọng về một tương lai phát triển được đánh giá là nhiều tiềm năng nhất thế giới hơn bao giờ hết cần một nền hòa bình và ổn định bền vững để các dân tộc chung tay, góp sức xây dựng một khu vực thịnh vượng, trong đó tất cả các dân tộc đều được tôn trọng độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, cùng bắt tay nhau hợp tác, cùng thắng, cùng phát triển. Với sứ mệnh và trách nhiệm cao cả của mình, báo chí và các phương tiện truyền thông châu Á cần tạo ra thêm nhiều cơ hội để hợp tác và chia sẻ thông tin, loại ra khỏi cuộc chơi những tiếng nói lạc lõng đi ngược lại lợi ích của cả khu vực.

Phúc Nguyên

Không có nhận xét nào: