12 thg 12, 2012

Thông tin sai trên mạng internet – quản lý thế nào?


(Sóng Trẻ) - Hiện nay, những thông tin ảo vu khống, xuyên tạc trên mạng internet xuất hiện ngày càng nhiều và thực sự trở thành mối nguy hại, đặt ra vấn đề phải tăng cường quản lý thông tin trên mạng internet hơn nữa. Nhưng cần quản lí ra sao khi mà Internet mang tính chất toàn cầu và đang được sử dụng ngày càng rộng rãi?
Thông tin ảo – hiểm họa thật
Theo thống  kê của Net Index 2011, việc tiếp cận thông tin qua internet đã vượt qua phát thanh và báo giấy để trở thành phương tiện sử dụng phổ biến nhất hằng ngày, chiếm 42%  tại Việt Nam. Đó là chưa kể tới hơn 13 triệu thuê bao di động đăng kí dịch vụ 3G để truy cập mạng.
Nếu trước kia, người dân chủ yếu tiếp cận các thông tư, nghị định của chính phủ qua truyền hình và báo in thì ngày nay họ có xu hướng tiếp cận ngày càng nhiều qua các trang thông tin điện tử vì nhanh và dễ dàng hơn.  Internet cũng là nơi nhân dân trực tiếp theo dõi các thông tin, các buổi tọa đàm hay chất vấn đại biểu quốc hội thông qua cổng thông tin chính phủ.
Nhưng trên thực tế, theo thống kê của cơ quan chức năng thì đến nay các tổ chức phản động bên ngoài đã lập hơn 400 trang web, khoảng trên 380 báo, tạp chí và đài phát thanh tiếng Việt ở nhiều quốc gia để truyền bá, phá hoại tư tưởng, chống Việt Nam. Cùng với đó cũng phải kể đến hàng trăm trang web, blog do một số văn nghệ sĩ, các phần tử bất mãn trong nước lập nên, lợi dụng danh nghĩa “phản biện xã hội” để xuyên tạc, kích động chống đối Đảng, Nhà nước.
Trang “Dân làm báo”, “Quan làm báo” là hai trường hợp điển hình. Theo thống kê, “Quan Làm báo” chỉ trong vòng 4 tháng, tính từ cuối tháng 5 năm 2012, tổng cộng đã có gần 900 bài, trong đó gần 400 bài được soạn và đưa từ trong nước và hơn 150 bài lấy từ các trang mạng phản động khác đăng lại.
Những thông tin xấu liên quan tới các chính sách kinh tế, tài chính – ngân hàng và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước… đã tạo ra những luồng dư luận xã hội tiêu cực, gây hoang mang lo lắng, suy giảm niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước ta.
Quản lí nhưng chưa đủ
Có thể thấy, việc các trang “Dân làm báo”, “Quan làm báo” thu hút được sự quan tâm của mọi người trong thời gian qua có nhiều lí do. Trong đó, lí do căn bản nhất là thông tin được cung cấp trên kênh chính thống chưa thỏa mãn nhu cầu thông tin của công chúng, đặc biệt là các vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, tình hình kinh tế, tài chính,… Và đó là cơ hội cho những kẻ phá hoại như kiểu “Dân làm báo”.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỉ – phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Cần phải có một cơ chế cung cấp thông tin thật nhanh và chính xác cho báo chí trong nước. Các phương tiện truyền thông trong nước phải đưa thông tin thật nhanh, thật hấp dẫn bổ ích đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Khi công chúng được thông tin thì họ không phải tìm kiếm bên ngoài”.Liên quan tới vấn đề này, nhiều ý kiến của những người có chuyên môn cho rằng cần chủ động thông tin kịp thời, chính xác để đẩy lùi những thông tin “xấu – bẩn – độc hại”.
Đồng chí Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) trong một cuộc giao lưu trực tuyến đã khẳng định: “Những thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc cần được kiểm soát cụ thể và có chế tài cụ thể. Đây là hành vi mà không chỉ Luật Báo chí mà các luật khác phải có chế tài vì nó vi phạm thẩm quyền, tự do của người khác, uy tín cá nhân”. Ông Son cũng cho rằng : “Cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của toàn dân”.
Còn theo Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Quang Đạo- Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng : “Không phải thông tin gì cũng tuyên bố bởi việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh, song Đảng lãnh đạo thì phải nghe dân, làm tốt công tác tuyên truyền mà trước hết phải để dân hiểu, dân tin và phải có thông tin đúng đắn”.
Phải làm sao người dân được đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng về thông tin, làm sao để người dân chỉ tin và tìm đến những thông tin được cung cấp bởi các nguồn chính thống. Khi chúng ta làm được điều đó thì mặc nhiên những trang tin giật gân bừa bãi kiểu như “Quan làm báo” sẽ không được tìm đến nữa.
Sự quản lý, vào cuộc của cơ quan chức năng vẫn chưa đủ, quan trọng hơn hết là sức “đề kháng” của người dân với những thông tin chưa được kiểm định. Là thế hệ tương lai của đất nước, bạn suy nghĩ thế nào về vấn đề này? Và có những biện pháp gì để góp phần ngăn chặn những thông tin sai phạm trên mạng internet như hiện nay?

Không có nhận xét nào: