2 thg 12, 2012

Việt Nam tiếp cận thế giới thế nào?

Toàn cầu hóa không phải là câu chuyện mới. Cái mới, cái đáng nói ở đây là một khía cạnh khác: chúng ta cần phải tiếp cận với thế giới ngày nay như thế nào?

Qua kinh nghiệm của cha ông ta, cũng như học từ những trải nghiệm của bản thân, tôi tạm nghĩ có thể thu gọn lại thành sáu chữ và một phương châm: Tự tin - Tự trọng - Tự cường - và "thêm bạn bớt thù."

Tự tin vào chính mình

Thời buổi hoàn cầu hóa bây giờ vẫn còn một yếu tố không khác gì những thời trước: cá nhân nào cũng muốn đạt được một cuộc sống dễ chịu hơn, tìm được một người đồng hành như ý, và muốn cho tương lai con cháu mình sáng sủa hơn chính mình.

Cái khác ở thời điểm này là ta phải cạnh tranh với những người khắp thế giới chứ không còn chỉ cần vượt qua được người cùng làng, cùng tỉnh hay cùng một nước nữa. Nếu khi xưa đỗ xong trạng nguyên là cả đời êm ấm rồi thì ngày nay lập nên một cơ nghiệp đồ sộ trong nước cũng vẫn lo có ai "bên ngoài" dòm ngó và muốn "nuốt trửng" mình hay sẽ cạnh tranh đến khi ta sạt nghiệp.

Ta chỉ cần nhìn vào các tập đoàn "nước ngoài" đang thao túng một số các thị trường trong nước thì đủ rõ. Từ quả cam, miếng thịt ta ăn hàng ngày cho tới các viên thuốc ta cần khi đau yếu; ngay cả những món hàng vốn do chính đồng bào ta sản xuất từ nhiều thế kỷ như vải vóc, tơ lụa, bàn tủ, đồ gốm... cũng không cạnh tranh nổi với các mặt hàng tương tự từ nước ngoài. Kể chi đến các công ty địa ốc, các cơ sở bảo hiểm, các doanh nghiệp "đa cấp", và chắc cũng chẳng bao lâu nữa sẽ đến lượt các ngân hàng... liệu có đứng vững ngay trong "sân nhà" không?

Giải pháp duy nhất có thể giúp ta đứng vững là giáo dục, từ trên xuống dưới và liên tục suốt đời. Nếu ngày xưa cách làm ruộng không thay đổi trong nhiều thế kỷ, và các câu ca dao cũng đủ để dạy cho thế hệ sau biết thích nghi với thời tiết, mùa vụ, v.v... thì ngày nay công nghệ tin học, các khám phá mới về sinh học, y học ... và ngay cả những biến cố xảy ra ở những nước ít khi ta nghe tới cũng buộc chúng ta phải tỉnh táo lắm mới có thể bắt kịp thiên hạ.

Ta đứng dậm chân là ta thụt lùi. Giáo dục vì thế cũng phải luôn luôn tỉnh táo, uyển chuyển để không bị tụt hậu

Tự trọng, yêu quí xã hội và tôn vinh dân tộc mình

Năm thế kỷ vừa qua, người Âu châu đã bá chủ toàn cầu, đến nỗi người Anh có thể khoe rằng "mặt trời không hề lặn trên quốc kỳ của chúng tôi." Và điều ấy cũng không phải là ngoa.

Ở Việt Nam, nước Pháp chỉ gửi vài nghìn quân, một ít chiến hạm.. và thế là ta lại đứng trước cảnh mất nước lần nữa. Đồng bào ta đã trả một giá rất đắt cho bài học "bế quan tỏa cảng", chỉ vì cái giáo dục của ta thời phong kiến đã bịt mắt ta, không cho ta nhận ra những tiến bộ vượt bậc của người Âu thời ấy; đã bịt miệng ta không cho ta kiến nghị, hoặc chỉ nói lên nỗi niềm trong mỗi người.

Đau đớn hơn nữa, bị người Pháp đô hộ đã làm cho người Việt ta tự ti đến nỗi cứ nghĩ cái gì của người da trắng - của "Tây" - đều là hay, là tốt cả, và gần như bất cứ người da trắng nào cũng vượt trội hơn người mình. Hơn cả chính mình nữa. Ngay đến bây giờ cũng vẫn còn.
Đã bao lần bạn bước vào một nhà hàng, cửa tiệm hay văn phòng cùng với người da trắng từ bất cứ nước nào, có khi chỉ là "Tây ba lô", và nhân viên người Việt đã đon đả, có khi còn xum xoe, khúm núm, đón tiếp người da trắng như một khách quí đại gia còn coi bạn, người đồng hương, như "pha?"

Vì thế, muốn kết nối thành công với thiên hạ bất cứ từ đâu tới, ta phải "biết mình, biết người" đã. Biết để học những gì mình còn thua người ta chứ không phải để tìm kẽ hở của người ta mà tấn công, như Tôn Tử đã dạy về binh pháp. Biết để cố gắng trau dồi những gì ta còn thiếu sót, còn thua người. Và biết để ta có cơ sở khi cảm thấy hãnh diện về người đồng hương, về các thành quả của đất nước.

Tóm lại, ta tự lực vươn lên cho bằng người. Đó là tự trọng. Không mặc cảm nữa.

Tự cường để chen chân với thế giới

Khi ta đã đạt được căn bản tự tin và tự trọng, lúc đó ta mới nên nói chuyện tự cường.

Tự cường là tin vào sức mạnh cùa chính mình, nhưng không tự kiêu, không tự mãn, không lạm dụng sức mạnh đó. Ngược lại, ta cũng không để cho ai bắt nạt ta, không cho ai lừa dối ta, không cho ai đô hộ ta lần nữa.

Ở đây ta cũng cần phân biệt rõ ràng hai lĩnh vực công và tư. Trong đời tư, ai cũng có quyền, và nhiều khi cũng nên, "xí xóa" với bạn bè, "thông cảm" với bà con trong họ, hoặc "chín bỏ làm mười" với người mình yêu.

Nhưng trong việc "công", quyền lợi của dân tộc, toàn vẹn của đất nước, việc bảo vệ cái "gia tài của mẹ" như tên của Trịnh Công Sơn đã đặt, chúng ta không ai có quyền "lấy chín làm mười" được. Trong lĩnh vực chung của đất nước, "Chín" chỉ là chín; không thể nào là mười được.

Xưa kia, đối mặt với kẻ thù, Việt Nam ta thường chỉ là "một chọi một", không có ai giúp, không có đồng minh. Nhưng sang thế kỷ này, với bao nhiêu tổ chức quốc tế --từ Liên hiệp quốc, Tổ chức Thương mại QT, hay IMF, Ngân hàng Thế giới... cho đến các tòa án QT, các liên minh kinh tế, chính trị, văn hóa...-- và phương tiện truyền thông lập tức và toàn cầu, ta có thể có đồng minh, có bạn, hay ít nhất có những người, những quốc gia có cảm tình với ta.

Thêm bạn bớt thù

Đây mới chính là mục đích của "hội nhập thế giới" vì những phương châm bên trên chỉ là phương tiện để đạt cứu cánh chiến lược này.

Một câu nói từ thời còn trung học vẫn làm tôi nhớ mãi, và càng ngày càng thấy "có lý": No man is an island (không ai là một hải đảo.) Trong thế kỷ này, ta có thể thêm tí mắm muối: "No country is an island" (Không có quốc gia nào là một hải đảo.)

Và quả thật như vậy. Bạn cứ tưởng tượng xem thế giới sẽ phản ứng như thế nào nếu Mỹ lại đổ quân xâm chiếm Philippines như hồi năm 1898, hoặc Liên Xô "tái lập trật tự" ở Hungary năm 1956? Điều tương tự cũng xảy ra trong trường hợp Nga ở Afghanistan và mới đây như Mỹ ở Iraq.

Ngược lại, trong cuộc chiến chống xâm lược Mỹ, bộ đội Bác Hồ được sự ủng hộ mạnh mẽ của các phong trào phản chiến trên khắp thế giới. Chính sách kỳ thị chủng tộc của Nam Phi bị đánh bại phần lớn cũng do sự tẩy chay của gần hết các quốc gia trên thế giới, dẫn đến việc Nam Phi phải thả lãnh tụ Nelson Mandela...

Chúng ta không còn cô độc như xưa nữa. Ở một tầm mức nào đó, chúng ta có đồng minh khi ta có chính nghĩa. Trong bối cảnh mới này, chiến lược căn bản của nước ta là "thêm bạn, bớt thù." Ta không xâm phạm quyền lợi của ai và ta cũng không để ai xâm phạm quyền lợi của mình. Ta đối xử với mọi người, mọi nước trong tình thân hữu, trên căn bản bình đẳng và công lý. Và ta dùng văn hóa là đầu mối để thêm bạn vì chỉ có văn hóa mới bền vững và không gây thù oán.

Chính trị và quân sự chỉ là nhất thời; khi ta thua thì ta thiệt thòi, mà khi ta thắng, ta cũng gieo hạt giống để đối phương tìm cách trả thù. Kinh tế còn trồi sụt nhanh hơn nữa; như ta đang thấy trên khắp thế giới. Hơn nữa, mục đích của kinh tế là làm giàu cho người đầu tư và thương gia chứ không nhất thiết cho đất nước, cho cộng đồng, nên người làm kinh tế thường phải dùng những chiến thuật đạt được tư lợi hơn là phục vụ đồng loại. Và vì hoàn cành phải cạnh tranh này, thương gia nhiều khi phải coi các đồng nghiệp là "đối phương" hơn là thân hữu.

Chỉ có văn hóa là trường tồn. Văn hóa thường không gây thù oán, không làm ai mất thể diện; ngược lại văn hóa thường làm cho ta thoải mái hơn, vui hơn, và từ đó ta cũng dễ chấp nhận người làm văn hóa.

Trong thời chiến tranh lạnh hơn nửa thế kỷ trước, dân chúng ở Đông Âu và ngay ở Liên Xô vẫn thưởng thức nhạc Jazz của Mỹ và vẫn ham mộ Louis Armstrong hay Ella Fitzgerald.

Trước đó, ở Việt Nam, mặc dù là chúng ta kháng chiến chống Pháp đến cùng nhưng giới trí thức trong nước vẫn đọc thơ Verlaine, Apollinaire hay ngâm nga những bài hát do Piaf, Trenet phổ biến. Nên ta có thể tin rằng một câu thơ của Pushkin, một khúc nhạc Beethoven, hay một điệu Rối Nước... sẽ vẫn được trân trọng và yêu quí hàng nghìn năm nữa.
Vũ Đức Vượng

2 nhận xét:

Nga Mi nói...

Một bài viết đáng quý để suy ngẫm.

Nặc danh nói...

Đôi khi cần nhìn lại mình trước khi làm điều gì đó!